Xây vững "thế trận lòng dân" ở khu vực biên giới

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP tặng Kỷ niệm chương Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho 2 cá nhân. Ảnh: bienphong.vn
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP tặng Kỷ niệm chương Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho 2 cá nhân. Ảnh: bienphong.vn

Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, làm nền tảng để "xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp", góp phần xây dựng "thế trận lòng dân", nền biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới. Đó là khẳng định của Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN nhân 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2023).

Xây vững "thế trận lòng dân" ở khu vực biên giới ảnh 1Ngày 24/2/2023, tại xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chương trình "Ngày hội Biên phòng toàn dân" năm 2023 do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức đã diễn ra sôi nổi. Trong ảnh: Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tặng Kỷ niệm chương Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho 2 cá nhân. Ảnh: bienphong.vn

* Công tác vận động quần chúng có vai trò quan trọng như thế nào để thực hiện công tác biên phòng, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, thưa Thiếu tướng?

- Công tác vận động quần chúng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng. Đây chính là biện pháp công tác cơ bản, làm cơ sở, làm nền tảng để thực hiện các biện pháp công tác khác. Công tác vận động quần chúng là mũi tiến công chính trị cơ bản trong phòng, chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch và các loại tội phạm ở khu vực biên giới. Qua đó, góp phần củng cố "thế trận lòng dân", xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.

* Thưa Thiếu tướng, với vai trò quan trọng như vậy, lực lượng Biên phòng đã có những cách làm sáng tạo như thế nào để góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân?

- Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện công tác vận động quần chúng.

Một trong những chủ trương, giải pháp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện có hiệu quả phương châm "3 bám, 4 cùng", nghĩa là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào. Phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phương châm này để tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, các hiệp định, quy chế quản lý biên giới, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Các đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân khu vực biên giới về quốc gia, quốc giới, từ đó tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ, chủ quyền, an ninh biên giới.

Như chúng ta đã biết, hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Do vậy, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Chúng tôi đang cử 911 cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã và tăng cường 311 cán bộ xã; giới thiệu 2.388 đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và phân công trên 9.400 đảng viên phụ trách gần 41.000 hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Thông qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh, từ đó cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của địa phương đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ đội Biên phòng trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.

Khu vực biên giới chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân yên tâm bám trụ nơi biên giới, xuất phát từ tình hình thực tiễn ở cơ sở, Bộ đội Biên phòng đã triển khai các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới một cách thực tâm, thực chất và hiệu quả, tiêu biểu như Phong trào "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới"; Chương trình "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", "Thầy giáo quân hàm xanh"; "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng"; mô hình "Cán bộ Biên phòng tăng cường xã", "Thầy thuốc quân hàm xanh"...

Hay là gắn với thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp mà Bộ đội Biên phòng đã ký kết với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, huy động sức mạnh của các cấp, các ngành hướng về biên giới, hải đảo, như Chương trình: "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới", "Bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...

Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, làm nền tảng để "xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp", góp phần xây dựng "thế trận lòng dân", nền biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới.

* Thiếu tướng có thể điểm lại những phong trào, điển hình trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong thời gian vừa qua mà lực lượng Bộ đội Biên phòng đã triển khai và đạt được hiệu quả như thế nào?

- Qua quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị trong toàn lực lượng đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đạt hiệu quả thiết thực, với nhiều phong trào tiêu biểu. Nổi bật như phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới" và phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép"; "Hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới", "Tổ tuần tra thanh niên", "Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới", "Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận", "Buôn làng không có người vượt biên trái phép", "Tiếng kẻng vùng biên", "Dòng họ tự quản về an ninh trật tự", "bến bãi an kết", "Tổ đoàn kết sản xuất trên biển"...

Tính đến nay, quần chúng đã đăng ký tự quản được 1.546 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; thành lập 3.388 tổ tàu thuyền an toàn, đoàn kết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản an ninh trật tự.

Thông qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng trăm tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới và công tác đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép, tích cực tham gia hàng ngàn ngày công phát quang đường biên, mốc quốc giới và đường thông tầm nhìn biên giới...

Hiệu quả của phong trào đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh; cụ thể hóa quan điểm, chủ trương và phương châm toàn dân, toàn diện của Đảng ta trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

* Vậy để phát huy sức mạnh tổng hợp nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp như thế nào về công tác vận động quần chúng, thưa Thiếu tướng?

- Để phát huy được sức mạnh tổng hợp nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; trong thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng cần triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, trong đó tập trung vào một số nội dung, giải pháp về công tác vận động quần chúng như quán triệt, nắm vững và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân vận; thường xuyên cập nhật những văn bản mới ban hành, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tiễn của các đơn vị và địa bàn.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng ở các đơn vị cơ sở; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng cần huy động và phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội tham gia vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Tích cực tham mưu, phối hợp với cấp ủy địa phương các cấp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới vững mạnh.

Đồng thời với đó là đẩy mạnh hoạt động đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, phát huy hiệu quả phong trào kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới với các nước có chung đường biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

* Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Hạnh Quỳnh (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm