Xây dựng Tuyên Quang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp

Xây dựng Tuyên Quang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp
Xơ chế gỗ để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại cơ sở ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
 Xơ chế gỗ để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại cơ sở ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Đẩy mạnh quản lý và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) là một trong những giải pháp tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai nhằm phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp. Chúng tôi tìm về xã Tân Tiến – xã có nhiều hộ dân tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

Ông Nguyễn Hồng Hà, thôn 2, xã Tân Tiến chia sẻ, gia đình ông đã trồng rừng từ rất lâu, nhưng trước đây trồng rừng tự do không chú ý đến cây giống, kỹ thuật chăm sóc... nên năng suất và hiệu quả từ trồng rừng chưa cao. Năm 2017, được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn xã tham gia nhóm hộ quản lý bền vững, để nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua kiểm tra, thẩm định, rừng trồng của gia đình ông đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định nên đã được cấp chứng chỉ FSC.

Công nhân Công ty cổ phần giấy An Hòa vận hành dây chuyền sản xuất gỗ xuất khẩu. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
 Công nhân Công ty cổ phần giấy An Hòa vận hành dây chuyền sản xuất gỗ xuất khẩu. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Cũng theo ông Hà, để được cấp chứng chỉ rừng, các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí như: không được sử dụng thuốc diệt cỏ; phải bảo vệ các loại động vật hoang dã; không được đốt thực bì; quá trình khai thác không được để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng… Mặc dù, phải tuân thủ theo nhiều quy định nghiêm ngặt, nhưng sau khi được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán sẽ cao hơn rừng thường từ 15 - 20%, sản lượng gỗ cũng cao hơn rừng thường từ 10 - 15%.

Gia đình ông Hà đang có gần 10ha keo được cấp chứng chỉ FSC. Dự kiến sau khoảng 3 năm nữa rừng trồng đến thời kỳ cho khai thác gia đình ông sẽ thu hàng tỷ đồng.

Ông Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, trồng rừng là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân trên địa bàn xã. Xã Tân Tiến hiện có gần 4.900ha rừng; trong đó, có trên 4.300ha là rừng sản xuất. Để nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2017, xã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các hộ dân có rừng trồng đạt tiêu chuẩn.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán - TTXVN
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang.
Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Hiện xã có 81 hộ dân có rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, với tổng diện tích trên 400ha. Được cấp chứng chỉ rừng, hiệu quả từ trồng rừng được nâng lên, nên người dân trên địa bàn xã đã chủ động, ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Nhờ trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, thu nhập của người dân đã tăng lên nhiều, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 18%, giảm hơn 10% so với năm 2017.

Với gần 450.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 76% diện tích đất tự nhiên, Tuyên Quang có nhiều lợi thế trong trồng rừng phát triển kinh tế lâm nghiệp. Để phát huy lợi thế tiềm năng sẵn có những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh trồng, cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành và triển khai nhiều chính sách như: chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy để phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp…

Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giấy An Hòa cho biết, mấy năm trước, công ty gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ tỉnh Tuyên Quang trong quy hoạch vùng nguyên liệu, thực hiện chính sách một giá thu mua nguyên liệu, bảo đảm quyền lợi của người trồng rừng… nay công ty đã có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của công nhân lao động. Hiện nay, tỉnh cũng đang thực hiện cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp của tỉnh theo quy định, tạo điều kiện để công ty góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp này. Qua đó, giúp công ty phát triển ổn định vùng nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu nâng cao công suất hoạt động, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương…

Người dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) khai thác gỗ bán cho các doanh nghiệp. Ảnh Quang Đán - TTXVN
 Người dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) khai thác gỗ bán cho các doanh nghiệp. Ảnh Quang Đán - TTXVN

Với nhiều chính sách hỗ trợ, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản. Hiện nay, tỉnh đang có 8 nhà máy chế biến gỗ, giấy và bột giấy đang hoạt động với công suất lớn. Điển hình như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa (Công ty cổ phần giấy An Hòa) với công suất 1,3 triệu m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất 680.000 m3/năm... Các sản phẩm gỗ từ rừng trồng của Tuyên Quang đã được xuất khẩu sang các nước như: Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, các nước châu Âu.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, để phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp; trong đó chú trọng: cải thiện, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp; đẩy mạnh việc quản lý, cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Ngoài ra, để nâng cao giá trị rừng trồng tỉnh đã quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn ở các huyện Na Hang, Lâm Bình và Chiêm Hóa, với tổng diện tích 69.000 ha; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân nâng cao năng suất và thu nhập từ rừng trồng…

Nhờ xây dựng được cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, thu hút các doanh nghiệp tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang đã có những bước tiến vững chắc. Năm 2018, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đạt 1.064 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2013-2018 tăng 7,4%/năm. Hiện mỗi năm tỉnh Tuyên Quang trồng mới trên 11.000 ha rừng, tạo vùng nguyên liệu rừng trồng phục vụ công nghiệp chế biến trên 120.000ha. Tuyên Quang hiện cũng là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, với trên 22.300ha.

Ông Khoa cho biết thêm, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, cũng như Đề án nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả rừng trồng của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, đặc biệt là trồng rừng bằng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao; nhân rộng diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC; thực hiện chuyển hóa rừng nguyên liệu thành rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng trồng. Chi cục sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Năm 2019, tỉnh Tuyên Quang dự kiến khai thác hơn 9.600 ha rừng trồng, đạt sản lượng hơn 859.000 m3 gỗ. Qua đó, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp, tạo nền tảng vững chắc góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước.
Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm