Xây dựng trung tâm tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2

Xây dựng trung tâm tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ giữ vị trí đầu tàu về tăng trưởng kinh tế mà còn đóng góp chính vào ngân sách cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố hiện ở mức thấp nhất, không đủ để tái đầu tư phát triển. Do vậy, Đề án Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2022-2025 và giai đoạn năm 2026-2030 đang được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI tập trung thảo luận nhằm tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2025.

Bài 2: Tạo động lực "kéo” ngân sách cho cả nước 

 Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách thành phố liên tục tăng trưởng qua các năm, từ 1,19 triệu tỷ đồng trong giai đoạn năm 2011-2015 lên 1,45 triệu tỷ đồng vào năm 2016-2019. Trong những năm gần đây, thu ngân sách thành phố trung bình đạt khoảng 400.000 tỷ đồng/năm.

Xây dựng trung tâm tài chính ở Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 2 ảnh 1Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietinbank. Ảnh:sggp.org.vn

Riêng trong năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt trên 412.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018. Bình quân thành phố thu 1.620 tỷ đồng/ngày làm việc. Đây cũng là năm thành phố có tổng thu ngân sách có tỷ lệ tăng vượt dự toán cao nhất trong vài năm gần đây.

Là đầu tàu kinh tế khu vực phía Nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành. Đây cũng là đối tượng đóng góp nhiều nhất cho ngân sách thành phố trong thời gian qua. Trong giai đoạn năm 2011-2019, tốc độ thu ngân sách của khu vực kinh tế đều tăng ổn định qua các năm, bình quân tăng 11%/năm. 

Một số doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn trong năm 2019 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải kể đến Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Heiniken Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn…

Tỷ lệ đóng góp ngân sách của thành phố vào tổng thu cả nước theo đó cũng liên tục tăng lên qua các năm và là địa phương có mức đóng góp ngân sách cao nhất hiện nay. Trong giai đoạn năm 2010-2015, thành phố đóng góp khoảng 26,5%, giai đoạn năm 2016-2019 khoảng 27,5% tổng thu ngân sách của cả nước.
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương cho thành phố lại liên tục giảm dần và hiện đang ở mức thấp nhất, từ 33% giai đoạn năm 2000-2003 xuống còn 18% giai đoạn năm 2017-2021. Hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh là 18%, thấp hơn nhiều so với Hà Nội 35%, Đà Nẵng 68%, Bình Dương 36%...
 
Khi tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giảm thì mức ngân sách đóng góp của một lao động thành phố so với mức đóng góp bình quân một lao động cả nước giảm từ 3,8 lần năm 2005 còn 3,2 lần năm 2019. 

Không những vậy, một số kênh tăng trưởng của thành phố cũng có dấu hiệu suy giảm nếu không được đầu tư đúng mức. Kèm theo đó là hàng loạt các thách thức về phát triển kinh tế-xã hội như: mật độ dân số cao, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí ngày càng tăng; nhà ở thiếu, diện tích nhà bình quân đầu người thấp hơn diện tích cả nước; bệnh viện, trường học quá tải… cần được đầu tư thêm.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn năm 2021-2030, thành phố cần nguồn kinh phí rất lớn, gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Đặc biệt, ưu tiên tập trung đối với các công trình giao thông trọng điểm, liên kết vùng, công trình giải quyết ùn tắc giao thông khu vực sân bay, cảng, cửa ngõ thành phố với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 606.000 tỷ đồng.

Cũng chính việc ngân sách để lại không đủ cho đầu tư phát triển là một trong những lý do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn năm 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước thì đến giai đoạn năm 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần.

Trước tình hình này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2022-2025 và giai đoạn năm 2026-2030 để tăng thu ngân sách nộp về trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho thành phố, tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, đề xuất tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại từ 18% giai đoạn năm 2017-2020 tăng lên 23% ở giai đoạn năm 2021-2025 và 28% trong giai đoạn năm 2026-2030. 

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố không chỉ giúp thành phố giải quyết các thách thức, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, mà còn tăng thu ngân sách, từ đó tăng đóng góp của thành phố đối với ngân sách trung ương.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu thành phố được giữ lại ngân sách tỷ lệ 24% giai đoạn 2021-2025 và 26% giai đoạn 2026-2030 thì trong 10 năm tới phần nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng, tương đương 14,8 tỷ USD; ngân sách thành phố cũng có thêm khoảng 390.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia nhận định, việc tăng tỷ lệ điều tiết sẽ giúp thành phố có thêm nguồn lực đầu tư vào các dự án hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, môi trường - những lĩnh vực tạo sự lan tỏa lớn và có ý nghĩa phục vụ người dân.

Đây cũng là cơ sở giúp thành phố cơ cấu lại kinh tế, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đồng thời, tạo động lực cho thành phố phát triển, kết nối được với vùng kinh tế phía Nam và Tây Nguyên, lan tỏa sự phát triển kinh tế cho cả nước./. 

H.Chung 
Bài 3: Hướng tới xây dựng trung tâm tài chính mang tầm khu vực

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm