Xây dựng “Trà My - Cao Sơn Ngọc Quế” thành sản phẩm du lịch độc đáo

Tối 5/7, tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), Lễ hội Quế Trà My năm 2023 đã diễn ra với chủ đề “Trà My - Cao Sơn Ngọc Quế” nhằm xây dựng thương hiệu này thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Xay dung “Tra My - Cao Son Ngoc Que” thanh san pham du lich doc dao hinh anh 1Tiết mục văn nghệ được trình diễn tại lễ khai mạc. Ảnh: baoquangnam.vn

Trà My - vùng đất huyền thoại, được mệnh danh “Cao Sơn Ngọc Quế” gắn liền với bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kinh, Ca Dong, Co, M'nông, Xơ Đăng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ cho biết, từ thế kỷ 17 - 18, cây Quế Trà My đã trở thành một sản phẩm hàng hóa được thế giới ưa chuộng. Với nhiều hoạt động giao thương, mua bán sôi nổi thông qua thương cảng Hội An, các thương nhân đến từ Tây Ban Nha, Arab, Trung Quốc thu mua Quế Trà My để chế biến thành dược liệu và đem bán cho nhiều nước trên thế giới.

Ngày nay, sự phát triển một cách ồ ạt, không có sự quản lý, định hướng, khiến giống quế Trà My bị lai tạp, lẫn lộn với nhiều loại quế khác trên thị trường, chất lượng không cao. Giá trị cây quế giảm sút, ảnh hưởng đến thương hiệu. Đời sống người dân trồng quế gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam” và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà My tỉnh Quảng Nam năm 2011 và sản phẩm vỏ quế năm 2015 với logo riêng.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Trà My, để cây Quế Trà My thành cây kinh tế chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Quế Trà My, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ra thị trường trong và ngoài nước. Huyện tổ chức thi ý tưởng khởi nghiệp từ quế, phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ quế như tham gia các sàn giao dịch điện tử, chợ điện tử Lazada, Shopee, phát triển các trang mạng xã hội, các web bán hàng như QNB Mart, Postmart, Facebook, Zalo.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030, huyện Bắc Trà My sẽ trồng mới thêm hàng nghìn ha để đạt mục tiêu 7.000 ha quế cho khai thác để khai thác làm dược liệu và du lịch xanh.

Lễ hội Quế Trà My năm 2023, được tổ chức trong hai ngày 5 - 6/7/2023, trong đó có các hoạt động tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Ca Dong, Co, M'nông, Xơ Đăng; hội trại văn hóa truyền thống; trưng bày triển lãm ảnh về mảnh đất, con người Trà My; các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm Quế Trà My, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các địa phương miền núi với sự tham gia của hàng nghìn diễn viên quần chúng và các doanh nghiệp du lịch, dược liệu.

Đoàn Hữu Trung

Tin liên quan

Phát triển và tạo dựng thương hiệu quế Trà My

Cây quế Trà My là loài cây được trồng tập trung ở 4 huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, với diện tích khoảng 4.560 ha. Trong đó thôn 2 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My là một trong những địa phương có nghề trồng quế nổi tiếng nhất của tỉnh.


Phát triển vùng chuyên canh quế ở Quảng Nam

Từ bao đời nay, quế là cây trồng truyền thống đem lại nguồn thu nhập chính cho đồng bào Xê-đăng, M’nông… ở các huyện phía Tây - Nam tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, cây quế còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, đồng thời giúp nhiều hộ đồng bào xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.


Ngọt cay quế Trà My

Quế Trà My thứ cay, thứ ngọt ,
Nhờ tay thợ rừng mới lọt tay anh,
Phân du, bạch chỉ rành rành ,
Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân.



Đề xuất