Xây dựng thương hiệu du lịch "Xứ dừa" Bến Tre

Xây dựng thương hiệu du lịch "Xứ dừa" Bến Tre
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, để phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, văn hóa, con người Bến Tre, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch và định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Từ đó, mọi người quan tâm, tham gia thực hiện các hoạt động phát triển du lịch, bảo tồn thiên nhiên, phát triển các sản phẩm đặc trưng, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện, hướng đến mục tiêu mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch. 

Tỉnh Bến Tre ưu tiên đầu tư vào các công trình, dự án hạ tầng có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch, tạo động lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi, giải trí, khu du lịch, điểm du lịch với quy mô lớn, hiện đại. 

 Cùng với đó, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù của địa phương gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tỉnh tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu cho du lịch Bến Tre theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử,tâm linh,  du lịch cộng đồng, du lịch biển gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch sự kiện hội nghị,  du lịch trải nghiệm văn hóa ẩm thực “Xứ dừa” Bến Tre. 

Tỉnh Bến Tre tăng cường thực hiện các chương trình thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu đất nước, con người; tài nguyên, sản phẩm du lịch của tỉnh đến du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Ngoài những giải pháp trên, Bến Tre còn xây dựng, áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định về thuế, về đất đối với các dự án phát triển du lịch. Đặc biệt là nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh du lịch, hưởng lợi từ du lịch. 

Tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch thông quan đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch và người lao động tham gia kinh doanh du lịch tại địa phương, từng bước xây dựng đội ngũ lao động trong ngành du lịch có đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong thời gian tới. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  Bến Tre Trần Duy Phương cho biết, những năm gần đây, du lịch Bến Tre đã có bước chuyển mình rõ nét. Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, các khu, điểm du lịch được hình thành và phát triển khá tốt, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, ngành du lịch Bến Tre vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Thời gian lưu trú của du khách đến Bến Tre còn ngắn. Hạ tầng kỹ thuật xã hội có đầu tư nhưng còn dàn trải, chưa đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu kinh phí dự án. Công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Bến Tre còn nhiều hạn chế về nguồn lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao. 

Năm 2017, Bến Tre ước đón gần 1,3 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 550.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.057 tỷ đồng.
Công Trí 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm