Xây dựng thương hiệu cá sông Đà

Xây dựng thương hiệu cá sông Đà

Hồ Hòa Bình với lợi thế có tổng diện tích mặt nước rộng trên 8.800 ha, đáy hồ sâu, nguồn lợi thủy sản phong phú về giống và loài, ngoài sinh vật phù du, xung quanh hồ còn có hàng nghìn ha thảm thực vật và rừng phòng hộ, với độ che phủ cao. Ngành thủy sản tỉnh Hòa Bình được biết đến là tỉnh nuôi cá lồng trên hồ chứa lớn nhất cả nước. Với lợi thế tiềm năng sẵn có, Hòa Bình đã và đang xây dựng cá sông Đà theo chuỗi giá trị, nhằm tạo sự phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu nhập cao.

Tạo thu nhập ổn định

Từ quy mô nuôi trồng ban đầu nhỏ lẻ, đến nay nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các địa phương như: thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc đã đầu tư khá lớn để xây dựng các trang trại nuôi cá có quy mô và bài bản. Các hộ nuôi cũng đã đầu tư, nâng cấp lồng nuôi loại mới là lồng lưới có thể tích lớn cung cấp hàng ngàn tấn con cá thương phẩm ra thị trường.

Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc chia sẻ, triển khai Nghị quyết, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, kiểm tra sát sao, đôn đốc thực hiện và nhất là luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong việc phát triển nuôi cá lồng. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi từ 4 - 6 lồng cá, mang lại nguồn thu cho gia đình trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Đăng Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc cho biết, để phát triển nghề nuôi cá tại địa phương, các hộ gia đình đã tích cực tham gia Hội Nghề cá huyện Đà Bắc. Đây là sự bảo trợ chắc chắn cho việc phổ biến, huấn luyện, đào tạo kiến thức, dạy nghề nuôi cá lồng cho các hội viên, cá nhân, hộ gia đình; đồng thời, giúp cho người dân hiểu biết thêm về quy định liên quan đến nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng lòng hồ Hòa Bình.

Anh Xa Văn Huy, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương chia sẻ, Hội Nghề cá huyện Đà Bắc ra đời giúp cho các cá nhân, tổ chức, các hợp tác xã nuôi cá lồng ở xã Hiền Lương nói riêng, trên địa bàn huyện Đà Bắc nói chung có thêm nhiều định hướng, nhiều mối liên kết, giúp người dân có thêm niềm tin và yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình.

Việc phát triển nghề nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Cùng với đó nhiều năm qua tỉnh Hòa Bình đã tận dụng được nguồn nước hạ lưu hồ thủy điện để phục vụ thủy lợi, phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Qua đó tạo nhiều sản phẩm thủy sản, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng thương hiệu cá sông Đà ảnh 1Nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đang đem lại hiệu quả cao cho cả người dân lẫn doanh nghiêp. Nguồn: thuysanvietnam.com.vn

Xây dựng thương hiệu

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có hơn 36 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô 4.750 lồng, sản lượng đạt 6.150 tấn/năm. Để phát triển, chế biến các sản phẩm cá đạt chất lượng chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), VietGAP và đứng vững trên thị trường, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng chuỗi giá trị trong nuôi trồng và sản xuất. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo ra sản phẩm từ các loài cá như lăng, chiên, trắm đen... thành phẩm ruốc cá, cá đóng túi... được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và tin dùng.

Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, nhận thấy tiềm năng, lợi thế lớn từ vùng hồ sông Đà, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch phát triển, lập các đề án trình UBND tỉnh Hòa Bình về đầu tư, hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng đúng định hướng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chứng nhận đăng ký lồng bè, vùng nuôi, mã số vùng nuôi trên địa bàn.

Việc này nhằm quản lý tốt đầu vào như thức ăn, con giống đảm bảo chất lượng và để tạo ra sản phẩm đúng theo quy định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp cho thị trường. Đến nay, sản phẩm cá sông Đà đã trở thành thương hiệu có mặt rộng khắp thị trường trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng tỉnh Hòa Bình, công ty phải xây dựng mô hình theo quy trình sản xuất khép kín, từ đầu vào con giống, quy trình nuôi phải chặt chẽ. Đến quy trình đầu ra, các sản phẩm đạt chất lượng VietGAP, công ty cũng sản xuất nhiều sản phẩm khác như ruốc cá, cá đóng gói... đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra, công ty còn liên kết với các hộ dân nuôi cá tại lòng hồ để phát triển thương hiệu cá sông Đà. Sản lượng hàng năm của công ty đã đạt hơn 500 tấn cá. Sản phẩm của công ty đã đạt chứng nhận 4 sao Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình năm 2020.

Các sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao như cá lăng đen, cá rô phi... đóng túi hút chân không của các công ty trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đều áp dụng mô hình chăn thả tự nhiên với nguồn giống thuần chủng, khai thác đúng tuổi thương phẩm, đảm bảo các quy trình chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật VietGAP. Đáng lưu ý, hầu hết các sản phẩm này đã có mặt tại các siêu thị phía Bắc, khách hàng có thể kiểm tra mã vạch, truy xuất nguồn gốc, đặt hàng qua mạng theo các siêu thị, cửa hàng.

Nhãn hiệu cá sông Đà Hòa Bình được sử dụng cho hai nhóm sản phẩm cá tự nhiên và nuôi, được công nhận đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm về yêu cầu về chất lượng ngon, sạch không có hóa chất độc hại, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng theo quy định an toàn thực phẩm.

Thanh Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm