Xây dựng nông thôn mới ở các xã bãi ngang ven biển Cà Mau

Đường giao thông xã bãi ngang Khánh Bình Tây Bắc. Nguồn : baodantoc.vn
Đường giao thông xã bãi ngang Khánh Bình Tây Bắc. Nguồn : baodantoc.vn

Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là tại các xã bãi ngang, nơi được biết đến với điều kiện sống khó khăn, nay đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang dần được nâng cao. Cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp chuyển biến rõ nét; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư…

Xây dựng nông thôn mới ở các xã bãi ngang ven biển Cà Mau ảnh 1Đường giao thông xã bãi ngang Khánh Bình Tây Bắc. Nguồn : baodantoc.vn

Bước chuyển mình đáng tự hào

Đầu năm 2021, niềm vui của người dân trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời được nhân lên gấp bội khi Hội đồng Thẩm định nông thôn mới của tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 5/2021, xã Khánh Bình Tây Bắc được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ðể giữ vững các tiêu chí đạt được, xã đã phát động người dân trên địa bàn thực hiện tốt các phong trào thi đua.

Là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, Khánh Bình Tây Bắc với xuất phát điểm là một xã nghèo, đời sống người dân vô cùng khó khăn và từng có thời điểm tỷ lệ người dân ly hương cao nhất, nhì tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn, đây là hành trình dài đầy gian nan, bởi Khánh Bình Tây Bắc không chỉ là xã rộng với 13 ấp, mà điều kiện tự nhiên vô cùng khó khăn.

Sự hỗ trợ của các cấp và sự nỗ lực, quyết tâm của người dân đã tạo ra bước đột phá vượt bậc cho địa phương. Nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ rất cao, tiêu biểu như, có hơn 98% hộ dân được mắc điện kế; toàn xã có 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 50 triệu đồng/ người/ năm. Ðặc biệt, hiện nay toàn xã không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát. 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế... Đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng cao.

Mỗi xã bãi ngang ở Cà Mau có đặc thù riêng và cũng có những khó khăn riêng cần phải vượt qua, nhưng với sự nỗ lực không ngừng và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân trong nhiều năm qua đã đưa kinh tế - xã hội những địa phương thuộc diện này vươn lên mạnh mẽ, trong đó có xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.

Tân Thuận là xã bãi ngang ven biển của huyện Ðầm Dơi, nằm cách trung tâm tỉnh Cà Mau khoảng 35 km. Nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và mua bán nhỏ. Đường về đích nông thôn mới tuy vẫn còn xa nhưng diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều đổi thay vượt bậc.

Là xã bãi ngang, ven biển, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã Tân Thuận vướng phải những khó khăn, nhất là nguồn vốn lớn để đầu tư các tiêu chí như giao thông, điện, trường học, các thiết chế văn hóa... Song, địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực, khơi dậy tinh thần tự lực trong dân phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Văn Triều nhận định, xác định cái khó và điểm nghẽn lớn nhất của xã là hạ tầng giao thông. Do đó, nhiều năm qua, địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2020, xã đã triển khai xây dựng hoàn thành 22 công trình đường với chiều dài 21 km. Đến nay, toàn xã có hơn 99 km đường nông thôn kiên cố. Giao thông phát triển đã góp phần đưa kinh tế, đời sống của người dân cải thiện từng ngày, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,9%. Ðây là tiền đề để xã bãi ngang ven biển Tân Thuận về đích nông thôn mới trong tương lai gần.

Phát huy tối đa nội lực để bứt phá


Theo Quyết định số 1722/QÐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Cà Mau có 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và bằng nỗ lực vươn dựa vào chính nội lực của mình, một số xã đã vươn lên mạnh mẽ, thực hiện thành công mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.

Ðể xã khó khăn như Khánh Bình Tây Bắc về đích nông thôn mới, bên cạnh sự quan tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, nguồn lực vô cùng quan trọng là sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc Bùi Chí Ngạn chia sẻ, xã đã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Mục tiêu của xã là không chỉ đảm bảo đạt chuẩn mà phải phát triển nông thôn bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân, hướng tới nông thôn văn minh.

Theo đó, để hướng tới xây dựng vùng nông thôn văn minh, xã luôn lấy sức mạnh nhân dân làm nòng cốt, tất cả các công việc của địa phương đều được triển khai theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân thực hiện, dân kiểm tra và dân thụ hưởng"… Từ đó, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân từ việc nhỏ đến việc lớn.

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhân dân và tận dụng tối đa nội lực, lợi thế của địa phương cũng là giải pháp mà chính quyền xã Tân Thuận lựa chọn trong tiến trình hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Trần Văn Triều cho biết thêm, xã sẽ vận dụng hiệu quả các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển các ngành nghề, loại hình dịch vụ có tiềm năng, lợi thế của địa phương…, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn thời gian đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu đạt chuẩn của xã Tân Thuận trong tương lai gần là hoàn toàn có cơ sở khi ước mơ có đường ô tô về trung tâm xã đã thành hiện thực. Bên cạnh đó, dự án lộ Ðông - Tây đang dần hoàn thiện sẽ tạo ra bước phát triển nhảy vọt để xã phát triển cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá.

Không chỉ vậy, hiện xã đang có nhiều dự án hứa hẹn tạo động lực để địa phương chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, dự án điện gió với tổng mức đầu tư 2.950 tỷ đồng, sẽ tạo bước ngoặt to lớn không chỉ góp phần thúc đẩy sự triển kinh tế - xã hội của xã mà còn của tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, xã Tân Thuận đã có đồ án quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp rộng khoảng 50 ha đã được phê duyệt đến năm 2030. Theo dự báo, khu công nghiệp này có thể giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 công nhân.

Trước mắt, nâng cao mức thu nhập cho người dân đang được xã ưu tiên triển khai thực hiện. Vừa qua, cùng với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, Ban Thường vụ Ðảng ủy xã phân công các ngành, đoàn thể xã giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong hội viên trực thuộc của hội, đoàn thể. Các chi bộ trực thuộc Ðảng ủy phân công đảng viên, các ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo và Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã phân công thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn ấp thực hiện công tác giảm nghèo hàng năm. Với cách làm trên, nếu như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức 14,4%, đến năm 2020, tỷ lệ này chỉ còn ở mức 6,01%.

Ông Trương Văn Tỷ, Trưởng ấp Thuận Hòa A, xã Tân Thuận cho biết, địa phương khuyến khích người dân tận dụng đất trống trồng màu, hộ có điều kiện thì đầu tư quy mô lớn hơn, góp phần tăng thu nhập. Hiện ấp có khoảng 30/271 hộ trồng màu quy mô lớn, xuất bán quanh năm; số hộ còn lại, ít nhất cũng có vườn rau phục vụ bữa cơm gia đình. Ngoài ra, địa phương còn vận động người dân tích cực trồng hoa, hàng rào cây xanh, thực hiện mô hình ánh sáng an ninh..., chung sức cùng địa phương xây dựng hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Tính đến nay, xã Tân Thuận đạt 8/18 tiêu chí, gồm quy hoạch, thủy lợi, thông tin và truyền thông, giáo dục, y tế, an ninh trật tự - xã hội, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hộ nghèo. Phấn đấu đến cuối năm nay, xã sẽ tiếp tục xây dựng đạt hai tiêu chí: môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Thực tế, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới của những địa phương này tuy có khác nhau nhưng vẫn còn hết sức nặng nề. Và mục tiêu đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa phải là đích đến cuối cùng mà các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo như Khánh Bình Tây Bắc hay Tân Thuận hướng tới. Các địa phương này đang ấp ủ khát vọng lớn hơn, là xây dựng vùng nông thôn văn minh với sự phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa…

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm