Xây dựng nông thôn mới giúp đời sống nông dân Kiên Giang đổi thay

Một tuyến đường giao thông nông thôn. Ảnh : TTXVN
Một tuyến đường giao thông nông thôn. Ảnh : TTXVN
Xây dựng nông thôn mới hiện đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh Kiên Giang; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Xây dựng nông thôn mới giúp đời sống nông dân Kiên Giang đổi thay ảnh 1Một tuyến đường giao thông nông thôn. Ảnh : TTXVN

 Ông Danh Lợi, xã Định Hòa, huyện Gò Quao bày tỏ: người dân được hưởng lợi rất nhiều từ xây dựng nông thôn mới; đường sá xây dựng bằng bê tông xi măng đi lại thuận tiện, dễ dàng; điện thắp sáng làng quê; trường học xây dựng khang trang cho con em học hành; hệ thống thủy lợi được đầu tư phục vụ sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm, nuôi tôm, cá…Xây dựng nông thôn mới chính là chăm lo cho cuộc sống nhân dân, bộ mặt nông thôn có nhiều tiến bộ so với trước đây. Người dân Định Hòa rất vui mừng khi thấy quê hương ngày càng phát triển, cuộc sống cải thiện, nâng lên.

Tương tự, ông Danh Tâm, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao bộc bạch: thực hiện xây dựng nông thôn mới, cuộc sống nhân dân sung túc hơn trước nhờ sản xuất những năm gần đây khá hiệu quả. Hệ thống đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, chợ, nước sạch… đều được đầu tư đồng bộ, phục vụ đời sống sinh hoạt người dân. Đặc biệt, Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển sản xuất về thủy lợi, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác… khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng lúa, nuôi lợn, nuôi tôm cá đạt kết quả.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, năm vừa qua, Kiên Giang đã nâng cấp, mở rộng 230 km, nâng tổng số lên 6.535 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn . Điều này góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tỉnh đã đầu tư 48 tỷ đồng cải tạo 13 công trình lưới điện nông thôn, với 22,8 km đường dây trung thế, gần 200 km đường dây hạ thế, tổng dung lượng trạm biến áp cải tạo 19.439,5 kVA, góp phần phục vụ điện sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Cùng với đó, đầu tư hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhất là ở 3 vùng sản xuất trọng điểm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng, đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ, giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu. Các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tăng cường áp dụng, hình thành nhiều cánh đồng lớn trên lúa, vùng nuôi tôm tập trung với quy mô lớn theo phương pháp thâm canh, bền vững về môi trường sinh thái, nâng lên năng suất, chất lượng cây lúa, tôm nuôi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho hay, tỉnh phát triển hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và tôm - lúa vùng U Minh Thượng, từng bước ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như: VietGAP, GlobalGAP… Cây hồ tiêu ổn định sản xuất ở Gò Quao, Giồng Riềng, Hà Tiên, Phú Quốc; cây khóm (dứa) ổn định sản xuất ở Châu Thành, Gò Quao, Vĩnh Thuận, giúp nông dân tăng thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình.

Tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển các mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn… đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện nay giảm còn 1,6% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, mặc dù, đạt nhiều kết quả, nhưng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh này còn nhiều những khó khăn, bất cập. Cụ thể là kết quả đạt chuẩn nông thôn mới của một số địa phương còn khoảng cách chênh lệch lớn, chất lượng đạt chuẩn và duy trì bền vững của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Việc xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn khó khăn do thu nhập người dân nông thôn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp hạn chế, nhất là khó khăn ở các huyện vùng sâu, biên giới.

Cùng với đó, sản xuất còn hạn chế, khó khăn, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng phát triển theo hướng quy mô lớn chưa nhiều, phần lớn sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường. Tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2022, tỉnh phấn đấu xây dựng thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 3 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã kiểu mẫu và có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung hoàn thành các tiêu chí về tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, môi trường, giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giữ ở mức 1%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90% trở lên… Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới gắn với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và xã kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung hoàn thành các nội dung, tiêu chí theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2022; trong đó, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác lợi thế địa phương; đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, tăng cường bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải, nước thải, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp… Ngoài ra, thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực, thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm