Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Giải quyết những vấn đề cấp thiết

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Giải quyết những vấn đề cấp thiết

Ngày 21/4, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã vượt 12,4% số xã đạt chuẩn so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 – 2020.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết sau 10 năm thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề trong giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Giải quyết những vấn đề cấp thiết ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Sáu chương trình chuyên đề gồm: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025. Bộ Công an đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện thủ tục ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, về huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025;... Dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2025 cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu trên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục thực hiện 11 nội dung thành phần bao gồm 54 chỉ tiêu cụ thể; trong đó có sự phân công rõ trách nhiệm của các địa phương, các bộ, ngành Trung ương.

Các chỉ tiêu phấn đấu, nội dung thực hiện được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở thực tiễn 10 năm triển khai Chương trình và được cụ thể hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo các mức độ và thực hiện ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.

Cụ thể: đạt chuẩn nông thôn mới cho các địa phương chưa đạt chuẩn phấn đấu đạt chuẩn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo; đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; nông thôn mới kiểu mẫu để các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, lựa chọn các lĩnh vực nổi trội, thế mạnh, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 156.700 tỷ đồng.

Trong giai đoạn tới, đặc biệt ngay từ năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ và địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung và các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Uỷ ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn bố trí thực hiện các dự án thành phần của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là mục tiêu không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 5 năm và hàng năm. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Các địa phương chủ động cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội, ưu tiên Chương trình OCOP, áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ, môi trường và nước sạch nông thôn; vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình.

Trên cơ sở điều kiện thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo công khai, minh bạch về quản lý đầu tư.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 10 năm thực hiện, đến hết năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao.

Tính đến ngày 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 34,1%; có 16 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 5 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể OCOP, đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm