Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt

Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt
Tháp Pô Klong Garai - điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tháp Pô Klong Garai - điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành cơ chế thu hút các dự án du lịch trọng điểm đẳng cấp cao trên địa bàn, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn tham gia đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (vùng biển Bình Tiên - Vĩnh Hy - Ninh Chữ và Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình). Ninh Thuận xây dựng các sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nông nghiệp tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, vùng phụ cận. Tại huyện Ninh Phước, Thuận Nam phát triển các sản phẩm du lịch biển; tìm hiểu văn hóa, làng nghề, khám phá đồi cát, thể thao mạo hiểm. Tại huyện Bác Ái, Ninh Sơn, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch giải trí, thể thao; du lịch văn hóa, di tích lịch sử...
 
Du khách tham quan, xem trình diễn làm gốm Chăm Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Du khách tham quan, xem trình diễn làm gốm Chăm Ninh Thuận.
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn. Cụ thể, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản và sau khi dự án đi vào hoạt động, áp dụng mức thuế suất ưu đãi và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định thực hiện dự án theo các quy định hiện hành. Tỉnh khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng, giải quyết vướng mắc kịp thời cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện dự án.

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư với diện tích khoảng 1.800ha, tổng vốn đầu tư gần 15.300 tỷ đồng. Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tỉnh không ngừng nâng chất lượng dịch vụ du lịch. Toàn tỉnh hiện có 132 khách sạn, cơ sở lưu trú với 2.843 phòng, trong đó khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1 đến 4 sao với gần 2.700 phòng. Các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng chú ý đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng dịch vụ các dịch vụ giải trí, ăn uống hướng tới sự chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cùng với đó, ngành Du lịch tỉnh xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch, tăng cường quản lý giá cả dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách.

Thời quan qua, Ninh Thuận quan tâm đẩy mạnh chương trình xúc tiến du lịch; đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư cho công tác tôn tạo, bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch nên thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như: Vườn quốc gia Núi Chúa, bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ, tháp Pô Klông Garai; làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp; du lịch mạo hiểm như đua mô tô địa hình trên cát, các môn thể thao biển như dù lượn, lướt ván diều. Đặc biệt, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tỉnh đang phát triển tour đưa khách tới tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ nho ngay tại vườn ở làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), đây đang là một trong những điểm đến thu hút du khách nhất của tỉnh hiện nay.

Trong 8 tháng năm 2018, Ninh Thuận đón hơn 2,13 triệu lượt khách, dự kiến thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch cả năm ước đạt 1.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra sự khác biệt mang tính đặc trưng riêng có của du lịch Ninh Thuận, cùng với việc khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch, Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường du lịch để thu hút du khách; tăng cường liên kết vùng, miền, trong đó chú trọng kết nối tuyến du lịch Nha Trang và các tỉnh duyên hải miền Trung; tuyến nối Đà Lạt và Tây Nguyên; tuyến nối Bình Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Nguyễn Thành
TTXVN

Có thể bạn quan tâm