Xây dựng nhà an toàn vùng lũ - Giải pháp hiệu quả ứng phó với thiên tai

Xây dựng nhà an toàn vùng lũ - Giải pháp hiệu quả ứng phó với thiên tai

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, từ năm 2021 đến hết tháng 2/2022 đã xảy ra 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 144 trận động đất nhẹ, 326 trận mưa đá, dông lốc, sét; 177 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 163 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 21 đợt không lạnh, gió mùa Đông Bắc. Thiên tai đã làm 110 người chết, mất tích, 95 người bị thương; 309 nhà sập đổ hoàn toàn, 9.013 nhà bị hư hỏng, tốc mái... ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại khu vực miền Trung, tốc độ lũ lên nhanh, thời gian lũ kéo dài, giao thông chia cắt; lương thực, nhu yếu phẩm khó khăn, do đó việc xây dựng nhà an toàn ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ được xem là giải pháp thiết thực giúp người dân ứng phó với thiên tai.

Xây dựng nhà an toàn vùng lũ - Giải pháp hiệu quả ứng phó với thiên tai ảnh 1Nhà chống lũ đã thể hiện rõ ràng tác dụng của mình tại vùng rốn lũ miền Trung Ảnh: TTXVN

Hợp tác quốc tế xây nhà an toàn chống lũ

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng, chống thiên tai Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết, trước đây mô hình nhà phao chống lũ từ giải pháp của “Sống Foundation”, đã từng được sử dụng giúp người dân ứng phó với những đợt lũ ác liệt. Thực chất, đây là một cái phao tránh trú tạm trong vài ngày lũ lên, có mái che với diện tích từ 15-20m2. Bình thường nhà phao chống lũ được sử dụng để làm kho, nhưng người dân cũng ít sử dụng bởi khi vào ngày nắng gắt có khả năng hỏng cả quần áo, chăn màn lẫn lương thực. Bên cạnh đó, do diện tích nhỏ, mất cân đối về độ cao nên nhiều nhà phao đã bị lật, gây nguy hiểm cho người tránh trú. Chính vì vậy, Tổng cục phòng, chống thiên tai đã thử nghiệm 2 ngôi nhà phao mẫu, có các giải pháp thoáng khí và chống nóng cho 2 hộ nghèo tại Minh Hóa – Quảng Bình. Sau hơn nửa năm sử dụng, không chỉ hai hộ dân đánh giá cao về giải pháp này, mà các hộ dân khác cũng hướng tới việc xây dựng nhà phao đa mục tiêu, yên tâm sống trong chính căn nhà của mình, vơi đi gánh nặng phải “thâu ngày, trắng đêm” chạy lũ. Việc triển khai các mô hình này đã được các địa phương và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Vụ trưởng Đoàn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai hướng tới mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh, những giải pháp dài hạn và bền vững trước tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” được triển khai từ năm 2017 đến năm 2021 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Mục tiêu dự án là xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và đảm bảo điều kiện an toàn tại những vùng thường xuyên bị thiên tai ở các tỉnh, thành phố ven biển khu vực miền Trung. Mỗi hộ gia đình chỉ được nhận từ dự án và Chính phủ 50 triệu đồng, nhưng với hầu hết các hộ nghèo cùng với nguồn tích lũy hoặc vay mượn đã hoàn thành những ngôi nhà trị giá từ 75 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng. 4.000 ngôi nhà an toàn trước bão, lũ trong dự án không chỉ là mái ấm cho các hộ nghèo, mà còn có tính lan tỏa, bởi những hộ dân có điều kiện cũng nhận thấy hiệu quả của mô hình nhà an toàn và tự “copy mẫu” để xây dựng theo. Các căn nhà được dự án hỗ trợ xây dựng đã phát huy hiệu quả về khả năng chống chịu bão lụt, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho chủ hộ cũng như người dân xung quanh. Thành công của dự án đã làm cuộc sống các hộ dân thay đổi tích cực hơn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương tham gia dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, nhiều hoàn cảnh “nghèo hơn cả chữ nghèo”, khi không có một đồng tích lũy, không dám tham gia dự án vì không thể xoay sở nổi mười, hai mươi triệu đồng để đối ứng dựng nhà và họ chấp nhận "phơi lưng trước thiên tai”.

Trước thực tế đó, tận dụng tối đa các nguồn lực, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đề xuất sử dụng nguồn cứu trợ khẩn cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng 420 ngôi nhà trao tặng những hộ dân không có vốn đối ứng ngay sau đợt bão, lũ lịch sử năm 2020, trong đó 416 ngôi nhà kiên cố cho các đối tượng quá nghèo, 2 ngôi nhà dạng phao, 2 ngôi nhà mẫu dưới dạng nhà cộng đồng đa chức năng và chức năng chính để cộng đồng tránh lũ.

Bà Hồ Thị Lành, xã Lộc An, huyện Lộc Phú, tỉnh Thừa Thiên - Huế tâm sự: Ngôi nhà chống lũ của gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng năm 2018 với diện tích 15m2 nhưng rất kiên cố và giúp gia đình vượt qua mùa bão, lũ. Thậm chí nhiều hộ dân xung quanh còn mang đồ dùng, lương thực, thực phẩm đến đây nhờ tích trữ hộ. Việc xây dựng những căn nhà chống lũ đã giúp các hộ nghèo yên tâm sinh sống, sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, chủ động giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen đánh giá cao nỗ lực và thành công của các ban quản lý dự án trung ương và địa phương. Những ngôi nhà an toàn của dự án đã giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, đảm bảo đủ điều kiện cho người dân sinh sống và tránh lũ.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc về nhu cầu nhà ở an toàn chống chịu bão, lũ ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam, cần phải xây dựng hơn 100.000 ngôi nhà, trong đó nhu cầu cấp thiết xây 24.000 ngôi nhà an toàn ở các khu vực ven biển.

Nghiên cứu, sửa đổi chính sách phù hợp với nhà ở an toàn vùng lũ


Theo Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, từ Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung, người dân 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ xây dựng nhà ở an toàn với mức hỗ trợ 12-16 triệu đồng/hộ; vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm. Nhà ở phải đảm bảo sàn cao hơn mức ngập lụt cao nhất, diện tích tối thiểu 10m2; kết cấu kiên cố, mái bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão. Tính đến thời điểm này, trên 20.000 ngôi nhà với 21.000 hộ dân được hỗ trợ.

Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài cho rằng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tiếp tục giữ vững vai trò đầu mối quốc gia về phòng, chống thiên tai cũng như điều phối chung các nguồn lực trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, Tổng cục hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO) để có tác dụng cộng sinh và tạo uy tín cũng như lấp đầy khoảng trống Việt Nam cần tăng cường năng lực cho cộng đồng. INGO là những tổ chức đi đến tận hộ dân, làm những việc mà chính quyền các cấp Việt Nam chưa trực tiếp và chưa làm tới. INGO chính là những cánh tay nối dài tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai trong cộng đồng. Lĩnh vực phòng, chống thiên tai có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này rất nhiều, nhưng lại thiếu sự liên kết nên hiệu quả còn nhỏ lẻ, khó lan truyền bài học kinh nghiệm trên diện rộng. Do đó, cần sớm hình thành các kế hoạch tổng thể về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai tại các khu vực trọng yếu như miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan đến việc hỗ trợ nhà ở an toàn cho người dân vùng bão, lũ miền Trung, ông Hà Quang Hưng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cần phân biệt rõ Nhóm đối tượng đủ điều kiện kinh tế để xây dựng nhà ở an toàn, chỉ cần làm sổ tay hướng dẫn và Nhóm không đủ điều kiện xây dựng nhà ở an toàn, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách. Đối với vấn đề chính sách, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định 48/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng cho cả hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn mới; mở rộng phạm vi, điều kiện hỗ trợ trên 28 tỉnh, thành phố ven biển; nghiên cứu đề xuất tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cũng như vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; nâng cao điều kiện tối thiểu về nhà ở phù hợp với sự phát triển, vệ sinh môi trường… bổ sung mô hình nhà tránh bão cộng đồng theo hướng mỗi xã có một nhà ở tránh bão cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, tái thiết nhà cửa sau thiên tai là hết sức cần thiết. Vì vậy, chính sách cần đặt ra với nhà chống bão, lũ gồm những loại nào, mức chi phí từng loại và sức chống chịu với bão, lũ... Với tinh thần “xây lại tốt hơn”, an toàn hơn, tiện lợi hơn, rẻ hơn, cần làm rõ việc xây dựng nhà ở an toàn phòng, chống bão, lũ có đáp ứng khả năng chi trả của người dân hay không; cần điều chỉnh, bổ sung chính sách để Nhà nước hỗ trợ tốt nhất cho người dân cải tạo, xây dựng nhà ở an toàn trước bão, lũ và về lâu dài phải xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà vùng bão, lũ.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm