Xây dựng nét văn hóa đẹp cho du khách khi tham quan di tích Hà Nội

Xây dựng nét văn hóa đẹp cho du khách khi tham quan di tích Hà Nội
Du khách mặc áo choàng khi tham quan di tích đền Ngọc Sơn. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Du khách mặc áo choàng khi tham quan di tích đền Ngọc Sơn.
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Từ lâu, hiện tượng du khách mặc áo hai dây, quần soóc, váy ngắn vào di tích không chỉ gây phiền muộn cho những người quản lý di tích, mà đông đảo người dân cũng rất bức xúc. Các cấp, các ngành liên quan của Hà Nội đã tuyên truyền, nhắc nhở liên tục, nhưng tình trạng này chỉ giảm phần nào và không khó để bắt gặp hình ảnh không đẹp mắt ấy ở bất kỳ di tích nào trên địa bàn Hà Nội. Việc cho du khách mượn áo choàng vào tham quan di tích của các nhà quản lý văn hóa Hà Nội được xem như giải pháp tốt khi mà văn minh nơi thờ tự chưa được người dân ý thức cao. Đó cũng là hành động rốt ráo của ngành văn hóa hưởng ứng thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai việc cho du khách mượn áo choàng vào tham quan di tích. 

Nơi được lựa chọn triển khai đầu tiên là đền Ngọc Sơn, một điểm tham quan luôn thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Sau khi ra mắt trang phục áo choàng, địa điểm này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo báo giới, các nhà văn hóa, nhà du lịch, du khách và người dân. Gần như tuyệt đối mọi ý kiến đều tán đồng với cách làm của Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (đơn vị quản lý đền Ngọc Sơn). 

Những ngày đầu tiên triển khai, chỉ trong một buổi đã có cả trăm lượt khách mượn áo vào tham quan. Từ 30 bộ ban đầu, đến nay di tích này đã trang bị gần 100 bộ với 5 mẫu áo khác nhau, đủ phục vụ nhu cầu mượn áo của du khách. 
Du khách mặc áo choàng khi tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Du khách mặc áo choàng khi tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng phòng quản lý di tích thuộc Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết, hầu hết du khách đều hồ hởi, phấn khởi khi được mượn áo choàng vào di tích đền Ngọc Sơn. Thời điểm này, mặc dù thời tiết nóng nhưng mọi người vẫn nghiêm túc chấp hành. Hiện nay, mỗi tuần có gần 1.000 lượt khách mượn áo vào tham quan di tích. 

Ngay sau đền Ngọc Sơn, việc cho du khách mượng áo choàng vào tham quan được được triển khai ở một loạt di tích khác như đền Bà Kiệu, đình Nam Hương, di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc. Tiếp đến, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cũng thiết kế áo choàng cho du khách mượn khi vào tham quan di tích. 

Trưởng Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ, từ ngày 20/5, di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai cho du khách mượn miễn phí áo choàng vào tham quan Đài tưởng niệm trong khuôn viên di tích với số lượng 50 bộ. Khác với đền Ngọc Sơn, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò thiết kế cùng một kiểu dáng với 3 kích cỡ: Lớn, trung, nhỏ, màu cỏ úa. 

Tuy nhiên, Ban quản lý chỉ quy định du khách mượn áo khi vào Đài tượng niệm, còn khu trưng bày chứng tích không bắt buộc phải mặc. Đồng thời, khách được hướng dẫn trực tiếp từ nhân viên di tích và tại bảng thông báo khi bắt đầu bước chân vào di tích. Dù đang trong quá trình thử nghiệm nhưng trang phục áo choàng ở di tích Nhà tù Hỏa Lò được nhiều du khách quốc tế đón nhận. 

Anh Lindsey và chị Daniel, hai vợ chồng du khách người Mỹ cho rằng: “Tôi hiểu và tôn trọng văn hóa của các bạn, du khách nên tôn trọng các văn hóa bản địa khi đi du lịch. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc mặc thêm áo choàng nếu du khách mặc đồ quá ngắn. Áo rất đẹp và tiện sử dụng”. 

Dự kiến đầu tháng 6/2017, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng thực hiện cho du khách mượn áo choàng khi lỡ mặc trang phục không phù hợp khi vào di tích với số lượng 30 bộ. Hiện nay, kiểu dáng, sắc màu, số lượng áo cũng được thiết kế xong để chuẩn bị đưa vào thử nghiệm. Hai điểm trong di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ triển khai cho du khách mượn áo là Bái Đường và nhà Thái Học. 

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám khẳng định, thời gian đầu triển khai thí điểm, Trung tâm sẽ lắng nghe ý kiến và thái độ phản hồi của du khách để chỉnh sửa cho phù hợp. Bởi theo ông Lê Xuân Kiêu, để việc triển khai cho du khách mượn áo vào tham quan đạt hiệu quả tốt, cùng với việc xây dựng không gian văn hóa lành mạnh trong các khu di tích, cần tạo sự thoải mái cho du khách. 

Hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng thiết kế trang phục ở các di tích chưa thực sự đẹp, chưa phù hợp với không gian di tích, nhưng theo các nhà quản lý văn hóa, mục đích chính của việc này là tránh để du khách mặc trang phục không phù hợp khi vào di tích. Vì thế, áo choàng không thể thiết kế như trang phục dân tộc, tựa như áo the, khăn xếp. 

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, các di tích chủ động may trang phục cho du khách mượn là điều đáng hoan nghênh. Song đây là giải pháp tình thế, vấn đề quan trọng là tuyên truyền cho du khách đến tham quan di tích hiểu được văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam để có ứng xử phù hợp.
Đinh Thị Thuận
TTXVN

Có thể bạn quan tâm