Xây dựng Lễ hội áo dài thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

Xây dựng Lễ hội áo dài thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng
* Áo dài - tinh hoa văn hóa đặc sắc Trang phục truyền thống của mỗi quốc gia đều ẩn chứa những tinh hoa văn hóa đặc sắc, có khả năng khơi gợi cảm xúc, mong muốn khám phá của khách du lịch khi đặt chân đến một đất nước. Nếu như Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono, Scotland có váy Kilt... thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài duyên dáng. Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng xưa, nay trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa-văn hoá của dân tộc Việt. Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước…
Lễ hội Áo dài lần thứ 4 năm 2017 với chủ đề “Duyên dáng áo dài” sẽ được tổ chức từ ngày 3 - 17/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Lễ hội Áo dài lần thứ 4 năm 2017 với chủ đề “Duyên dáng áo dài” sẽ được tổ chức từ ngày 3 - 17/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, khi mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu bàn về giá trị của tà áo dài và xu hướng sử dụng thường ngày tại hội thảo “Hồn Việt trong tà áo dài đương đại” do Bảo tàng Phụ nữ tổ chức, hoặc tọa đàm “Trang phục truyền thống trong phim và ứng dụng trong đời sống” của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội…, chiếc áo dài phụ nữ được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy. Vì lẽ đó, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối”, là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc. Trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực, tinh thần tự hào dân tộc, nhiều nhà thiết kế đã đem đến cho chiếc áo dài những vẻ đẹp mới lạ. Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung... là những người đã góp phần làm rạng rỡ thêm tên tuổi trang phục áo dài trên làng thời trang khu vực và quốc tế. Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam. Cho dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với nhiều bao nhiêu biến thể, nét duy nhất còn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Áo dài Việt Nam xuất hiện trong từ điển tiếng Anh cũng vẫn là “aodai”, chứng tỏ sự biểu trưng mạnh mẽ cho vẻ đẹp mang tính dân tộc của loại trang phục truyền thống này. Và để áo dài gắn với sự phát triển của du lịch hơn nữa, chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng áo dài là một trong những thế mạnh mà Việt Nam có thể tận dụng để quảng bá hình ảnh của quốc gia tới thế giới.
Trang phục áo dài tại đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Trang phục áo dài tại đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

*Lễ hội áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 năm 2017
Lễ hội áo dài được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp duyên dáng và vẹn nguyên của chiếc áo dài Việt Nam qua các thời kỳ; đồng thời, sớm đưa hoạt động này trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Ban tổ chức, Lễ hội sẽ có khoảng 13 hoạt động được tổ chức trong các không gian mở, tạo nên một trải nghiệm thực tế, gần gũi và sống động dành cho khán giả và du khách tham gia sự kiện như: Thân quen áo dài Việt; Hội thi Ảnh đẹp áo dài, Hội thi Duyên dáng áo dài, Triển lãm không gian áo dài với chủ đề Thành phố Hồ Chí Minh-Thành phố áo dài; Hành trình xe đạp Năng động áo dài, chương trình nghệ thuật Tinh hoa áo dài Việt, chương trình đồng diễn và diễu hành áo dài chủ đề Tôi yêu Việt Nam... Đặc biệt, chương trình “Áo dài Việt Nam-Hội tụ thăng hoa” có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của lãnh sự và phu nhân các nước trong trang phục áo dài cùng du học sinh các nước tại Việt Nam. Trong khuôn khổ lễ hội, tại chương trình đồng diễn, diễu hành áo dài chủ đề “Tôi yêu Việt Nam” sẽ có sự tham gia của hơn 3.000 bạn trẻ diễu hành trong trang phục áo dài tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và biểu diễn xếp thành hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, thể hiện tình yêu quê hương, biển đảo của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác. Theo đó, trong thời gian tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố sẽ vận động cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, học sinh nữ mặc áo dài 1-2 ngày trong tuần để tôn vinh nét đẹp của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt hơn nữa là Sở sẽ kêu gọi cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố; học sinh và sinh viên mặc áo dài trong suốt tháng 3 của năm.Đây là lần thứ 4 Lễ hội áo dài được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua 3 năm tổ chức (năm 2014, 2015 và 2016), lễ hội Áo dài dần khẳng định thương hiệu với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2014, lễ hội đón 50.000 lượt khách tham gia, 2015 đón 41.835 lượt và 2016 đón 50.678 lượt. Các con số này cho thấy lễ hội áo dài không chỉ dừng lại ở một lễ hội văn hóa mà sẽ trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố. Với những nét mới, cùng với sự đột phá từ ý tưởng, nội dung, hình thức đến quy mô tổ chức, ban tổ chức kỳ vọng lễ hội lần này sẽ tạo tiền đề cho một lễ hội văn hóa uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố./.
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm