Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hôm nay. Ảnh: TTXVN
Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hôm nay. Ảnh: TTXVN

Với diện tích 377,18 km2, nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có vị trí chiến lược rất quan trọng cả về quốc phòng, an ninh cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên…

Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 1Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hôm nay. Ảnh: TTXVN

Từ một thị xã hoang sơ nơi đại ngàn, sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, Buôn Ma Thuột đã thực sự vươn mình, trở thành thành phố lớn nhất Tây Nguyên. Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh với những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế và văn hóa, Buôn Ma Thuột hiện có 21 đơn vị hành chính, bao gồm 8 xã, 13 phường, dân số khoảng 500.000 người với nhiều dân tộc sinh sống như: Kinh, Ê-đê, K’ho, Jrai... Đặc biệt, thành phố còn gìn giữ được 7 buôn làng người Ê-đê với những nét kiến trúc, văn hóa đặc trưng.

Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 2Trong dòng chảy nhộn nhịp của đô thị, buôn Akô Dhông ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột mang dáng dấp riêng với khung cảnh yên bình, nơi lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê. Ảnh: Hoài Thu

Nhằm tạo điều kiện cho thành phố phát triển, trong giai đoạn 2010 - 2020, Buôn Ma Thuột được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Thành phố hiện có nhiều công trình, cụm công nghiệp lớn như: Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tuyến đường Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, Cụm công nghiệp Tân An, Khu công nghiệp Hòa Phú… Nhờ vậy, Buôn Ma Thuột luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bình quân 9,38%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt trên 22.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân năm 2020 đạt 83 triệu đồng/người/năm… Ngày 24/6/2022, Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 3Nhân dân các dân tộc anh em tỉnh Đắk Lắk tưng bừng trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Ảnh: Tuấn Anh

Thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk đã xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố. Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ, du lịch… Tỉnh cũng đầu tư xây dựng đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (Khánh Hòa), đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (Lâm Đồng), đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa (Phú Yên)…

Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 4Già làng Y Siu Byă ở buôn M’Đúk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phấn khởi khi đời sống người dân được nâng cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Hoài Thu
Xây dựng đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 5Những năm vừa qua, thành phố Buôn Ma Thuột luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm. Ảnh: Hoài Thu

Đẩy mạnh khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế tự nhiên, vị trí trung tâm vùng, tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia…, Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên.

Đức Thịnh

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm