Xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp và là trung tâm vùng Tây Nguyên

Xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp và là trung tâm vùng Tây Nguyên

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường chủ trì Hội nghị.

Xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp và là trung tâm vùng Tây Nguyên ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường chủ trì hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nêu rõ, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là sự kiện lớn, đánh dấu giai đoạn chuyển dịch để tỉnh tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Vì thế, việc xây dựng, hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh tại Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng, là những định hướng phát triển, làm căn cứ để toàn Đảng bộ, chính quyền, toàn quân và nhân dân của tỉnh phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị đã được gửi để lấy ý kiến 3 lần từ phía các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 3 lần góp ý từ phía các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, 2 lần lấy ý kiến góp ý từ phía các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa XIV, XV, XVI và tổ chức Hội nghị phản biện xã hội, lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh, các nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học để hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng Báo cáo.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị cần tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp về bố cục, kết cấu của dự thảo Báo cáo, chủ đề của Báo cáo và phương châm của Đại hội. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tham gia thảo luận. Cụ thể, về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong dự thảo Báo cáo chính trị có lĩnh vực quan trọng nào đã được thực hiện nhưng chưa được phản ánh hoặc nhận định chưa khái quát, chưa rõ; ngoài các nhóm nguyên nhân cơ bản đã nêu trong dự thảo thì còn nguyên nhân nào khác cần bổ sung; mục tiêu tổng quát đã bảo đảm tính bao quát chưa; các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đã phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, có khả thi không...

Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, kinh tế trong thời gian qua đạt tốc độ tăng trưởng khá (tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,75%/năm), dịch vụ tăng nhanh, đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa – xã hội tiếp tục đạt nhiều tiến bộ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; công tác dân tộc, tôn giáo được giải quyết, đúng pháp luật. Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp, đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực, đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp theo đúng nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn…

Trên cơ sở đó, Đắk Lắk xây dựng mục tiêu đến năm 2025 sẽ là tỉnh giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên; định hướng đến 2030 tỉnh trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên theo hướng xanh sạch, hiện đại, bản sắc; khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế. Đến năm 2045, tỉnh thực sự là trung tâm vùng Tây Nguyên, sinh thái, thông minh, bản sắc; là trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, công nghiệp phần mềm…

Về định hướng phát triển, Đắk Lắk xác định 3 trụ cột. Đó là đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, đạt chuẩn về an toàn thực phẩm; tăng cường thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, tỉnh sẽ quan tâm phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, văn hóa; tập trung du lịch chất lượng cao, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch hội nghị… gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng và bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đắk Lắk tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tự động hóa...

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; cho rằng các chỉ tiêu đặt ra đã khá toàn diện, có tính khả thi cao đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng dự thảo Báo cáo cần bám sát và làm nổi bật hơn theo những chủ trương, chính sách lớn của Đảng về 3 đột phá chiến lược; những quyết sách lớn của Quốc hội, Chính phủ như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, Báo cáo cần bổ sung, đánh giá rõ hơn thực trạng xây dựng văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên tại đô thị gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó có duy trì, bảo tồn và phát triển các thiết chế văn hóa.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự thảo Báo cáo chưa nêu rõ, đậm nét một số vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước và mức độ chuyển biến trong nhiệm kỳ này. Ví dụ như vấn đề giải quyết nước cho sản xuất, sinh hoạt, vấn đề đất ở, đất sản xuất cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề di dân, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương

Một số ý kiến đề nghị dự thảo Báo cáo đánh giá toàn diện hơn về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới tại địa phương; bổ sung đánh giá về các hoạt động phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đánh giá về công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, gắn với công tác xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền địa phương...

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm