Xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ hoạch định chính sách về giới

Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều vào các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ cao, tuy nhiên, bình đẳng giới  thật sự vẫn là một thách thức. Ảnh: TTXVN
Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều vào các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ cao, tuy nhiên, bình đẳng giới thật sự vẫn là một thách thức. Ảnh: TTXVN

Theo tin từ Ngân hàng Thế giới (WB), tổ chức này vừa ký Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 740.000 đô la Australia với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình quan hệ đối tác chiến lược giữa Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - giai đoạn 2 để hỗ trợ khảo sát quy mô quốc gia về sử dụng thời gian với mục tiêu cung cấp dữ liệu hỗ trợ hoạch định chính sách về giới.

Xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ hoạch định chính sách về giới ảnh 1Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia nhiều vào các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ cao, tuy nhiên, bình đẳng giới  thật sự vẫn là một thách thức. Ảnh: TTXVN

Cuộc khảo sát do Tổng cục Thống kê tiến hành trong khuôn khổ dự án Nâng cao Năng lực Kinh tế cho Phụ nữ Việt Nam.

Dự án thực hiện các phân tích toàn diện dựa trên dữ liệu và bằng chứng về những thách thức trong bình đẳng giới và cung cấp các hỗ trợ về mặt chính sách và đầu tư để giải quyết những vấn đề này.

Khoảng 6.000 đối tượng là nam và nữ trên cả nước sẽ tham gia cuộc khảo sát này, nhằm thu thập dữ liệu về việc từng giới trong việc sử dụng quỹ thời gian hàng ngày và trong ngày vào những việc gì.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện bình đẳng giới ở các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế và kể cả kinh tế, thì Việt Nam vẫn phải đang đối mặt với nhiều thách thức dai dẳng về bình đẳng giới.

Việc xây dựng bộ dữ liệu toàn diện về bình đẳng giới là vô cùng quan trọng để giám sát khoảng cách giới và thiết kế các giải pháp một cách hiệu quả.

Mặc dù Việt Nam đã xây dựng Bộ chỉ số phát triển giới quốc gia từ năm 2011, nhưng gần 2/3 trong những chỉ số này không được phân loại theo giới tính. Trong khi đó, các chỉ số về việc sử dụng thời gian cũng hoàn toàn không có.

Đo lường việc sử dụng thời gian không được trả lương cũng rất quan trọng để đánh giá sự đóng góp của phụ nữ và nam giới trong các hộ gia đình; đồng thời, là cơ sở để đưa ra các khoản đầu tư và chính sách có ảnh hưởng đến việc sử dụng thời gian của từng giới, nhằm có thể làm giảm khoảng cách giới trong kết quả thị trường lao động và thúc đẩy bình đẳng giới.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, có một trong những lý do chính khiến 40% phụ nữ không tham gia vào thị trường lao động Việt Nam, đó chính là vì thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Cuộc khảo sát này sẽ cung cấp thêm dữ liệu về thời gian dành cho những công việc không lương và là cơ sở để phân phối lại những công việc này một cách thỏa đáng hơn – vì sự bình đẳng và vì nền kinh tế. Australia rất vui mừng được hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới thực hiện khảo sát này.

Ngọc Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm