Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn ở Nghệ An

Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn ở Nghệ An

Hiện nay, siêu thị là một kênh bán lẻ phổ biến, người tiêu dùng Việt cũng đang chuyển dần mua sắm tại chợ sang các siêu thị để đảm bảo chất lượng và an toàn. Sản phẩm được đưa vào siêu thị không chỉ tăng doanh thu mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đưa nông sản địa phương Nghệ An vào siêu thị, các chuỗi cửa hàng sạch trong và ngoài tỉnh là điều không dễ dàng. Do đó, liên kết sản xuất để nông sản làm ra được tiêu thụ tốt hơn là một trong những nhu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Tiêu thụ qua hệ thống siêu thị thấp

Với thương hiệu Chanh Thiên Nhẫn, sản phẩm mang tính thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày, phù hợp với xu hướng sạch, thảo mộc, an toàn cho người tiêu dùng, Hợp tác xã Chanh Nam Kim mong muốn một số sản phẩm của Hợp tác xã được có mặt trên kệ siêu thị. Giá thành sản phẩm cạnh tranh cao, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thường xuyên mua hàng tại siêu thị.

Cùng với đó, một số sản phẩm mang tính chất đặc thù và chưa có hoặc chưa nhiều trên thị trường Việt Nam như: chanh bao tử mật ong, mứt chanh, bột chanh, bột chanh hương liệu (từ tinh dầu)… hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội tiếp cận khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, Hợp tác xã Chanh Nam Kim cũng nhận thấy, bước chân vào siêu thị là tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm cùng loại đã có tiếng trên thị trường là điều không hề dễ dàng.

"Ngoài những thuận lợi thì chúng tôi cũng có những thách thức không nhỏ như thương hiệu mới xây dựng, chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng; những thủ tục, giấy tờ, tiêu chuẩn vào siêu thị rất chặt chẽ; quy chuẩn bao bì, nhãn mác còn nhiều điểm hạn chế, cần phải thay đổi; quy mô sản xuất còn nhỏ, khó có thể đáp ứng toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị…" - anh Đặng Văn Hóa, Giám đốc Hợp tác xã chanh Nam Kim phân tích.

Đồng quan điểm, anh Hồ Mạnh Hoàn – Giám đốc Công ty cổ phần Biển Quỳnh cho rằng, các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý kinh doanh. Có những đơn vị đã thương thảo xong với phía siêu thị, nhưng đến lúc ký kết hợp đồng để nhập hàng thì hồ sơ còn thiếu sót, phải vội vàng đi bổ sung. Điều này khiến cho việc hợp tác bị đình trệ, mất uy tín đối với đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra, có hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh. Tuy nhiên, những nông sản, thực phẩm an toàn tại Nghệ An chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu các mặt hàng được bày bán tại các siêu thị. Nguyên nhân là các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối thiếu thông tin về các mặt hàng nông sản, còn hợp tác xã, hộ sản xuất chưa liên kết được với các hệ thống phân phối này. Mặt khác, nông sản khó bảo quản, chất lượng một số mặt hàng chưa đồng đều, không đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm nghiêm ngặt của các siêu thị hiện nay.

Ông Trần An Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh cho biết, mặc dù nông sản, đặc sản trên địa bàn Nghệ An rất nhiều nhưng thực tế được đưa vào siêu thị BigC Vinh chỉ chiếm khoảng từ 30 - 40% tổng số hàng được bày bán. Nông sản của Nghệ An chưa đưa được nhiều vào siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch là do chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế, đặc biệt là khâu bảo quản và giá cả chưa cạnh tranh được với các tỉnh bạn.

Mặt khác, các hợp tác xã muốn đưa sản phẩm vào siêu thị nói chung, cửa hàng sạch nói riêng phải tuân thủ những quy định về mặt pháp lý. Tức là phải có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP...".

Tương tự, ông Nguyễn Công Việt - Giám đốc siêu thị Mega Market Vinh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến chúng tôi chưa thể ký kết với các đơn vị, hộ dân sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh là do chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ phía siêu thị đưa ra. Có những đơn vị đủ sản lượng thì lại thiếu về giấy tờ, thủ tục pháp lý và ngược lại. Bên cạnh đó, một điều tối kỵ khi nông sản trưng bày trên kệ hàng của siêu thị là không được phép hết hàng, ngày nào cũng phải có. Tuy nhiên, đối với mặt hàng nông sản phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết... thì điều này không thể đảm bảo tuyệt đối, đây cũng là trở ngại khiến việc hợp đồng bị gián đoạn.

Kết nối tiêu thụ nông sản sạch


Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản vừa đem lại lợi ích về kinh tế vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Để việc sản xuất nông sản an toàn có thể duy trì và phát triển thì rất cần sự chung tay góp sức của tất cả những bên liên quan: cơ quan quản lý, nhà sản xuất, các doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng.

Với các cơ sở sản xuất phải đặt chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, không để khách hàng mất niềm tin vào sản phẩm. Cùng với đó là đầu tư xây dựng thương hiệu, hình ảnh, mẫu mã và quảng bá sản phẩm; tìm hiểu, nắm chắc nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Đơn cử như trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo, ở huyện Yên Thành, sản phẩm cam được ông Giáo kiên trì đầu tư theo quy trình sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đội ngũ cán bộ công nhân viên trang trại cam Thiên Sơn đã thực hành và áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm bón, bảo quản sản phẩm đạt mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất. Hiện trang trại cam của ông được đón nhận chứng chỉ nông nghiệp tốt toàn cầu: Global Good Agricultural Practices và sau đó đã xuất khẩu cam vào thị trường Nhật Bản thông qua siêu thị AEON.

"Để đưa sản phẩm của hợp tác xã ra thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt là tiếp cận hệ thống siêu thị, ngoài nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã đa dạng hóa sản phẩm chúng tôi chủ động áp dụng khoa học công nghệ, làm quen với các trang mạng xã hội để có thể đăng tải sản phẩm, tự chủ động tìm kiếm bạn hàng, xây dựng kênh bán hàng riêng", anh Cao Minh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Sen Quê Bác cho biết.

Về phía các siêu thị, ông Trần An Khang cho rằng, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào hệ thống siêu thị, yêu cầu đầu tiên và cốt yếu phải có là thông tin về doanh nghiệp, nhà sản xuất và những sản phẩm của doanh nghiệp đó. Những thông tin này cần phải được minh bạch, rõ ràng, đúng quy trình thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền.

"Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những đối tác cung cấp sản phẩm có đầy đủ giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm như GlobalGAP, VietGAP và những thông tin này yêu cầu phải rõ ràng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối đòi hỏi nhiều về quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm và ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có gắn với việc bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng", ông Khang cho biết.

Với mục đích kết nối, đưa nông sản vào hệ thống siêu thị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An cũng đang hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm hiểu nhu cầu cung ứng và sản xuất để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm các tiêu chí đưa vào siêu thị.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Nam cho biết, ngoài phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo "Tìm giải pháp đưa nông sản vào siêu thị và kết nối cung - cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản" mới đây để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh hiểu rõ các quy định, tiêu chuẩn cung ứng nông sản, cách thức tham gia vào hệ thống siêu thị; tăng cường giao lưu, kết nối giữa các hộ sản xuất, hợp tác xã với các đơn vị bao tiêu sản phẩm...

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh cũng rà soát, cung cấp danh sách đơn vị, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thông tin tới doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm để kết nối, hợp tác. Đồng thời, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối, chế biến, xuất khẩu… cho nông dân hợp tác sản xuất. Trong năm 2021, Trung tâm sẽ triển khai nhiều chương trình cho các nhà sản xuất, nhà phân phối gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

"Về phía Sở Công Thương cũng triển khai chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại, nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, ý thức người tiêu dùng trong vấn đề lựa chọn thực phẩm an toàn nói chung và nông sản, đặc sản an toàn nói riêng. Đây là hoạt động quan trọng, góp phần quyết định tạo nên thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn, tạo ra xu hướng nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân hiện nay", ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An khẳng định.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm