Xây dựng chuỗi liên kết để phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Xây dựng chuỗi liên kết để phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Liên kết theo chuỗi giá trị đang còn yếu
Tiến sĩ Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi cho biết, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng như: tăng năng suất từ 15-20% tùy theo đối tượng vật nuôi, chuyển đổi khoảng 30% cơ sở chăn nuôi sang phương thức công nghiệp và chuyên nghiệp tạo ra tương ứng trên 55% sản lượng  thịt, trứng, sữa. Đặt nền móng cho ngành chăn nuôi hàng hóa với sự tham gia của nhiều doanh nhiều doanh nghiệp lớn. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Chuyển hướng từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho các ngành hàng.
Một cơ sở chăn nuôi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: http://www.sggp.org.vn
Một cơ sở chăn nuôi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: http://www.sggp.org.vn
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì ngành chăn nuôi vẫn còn  nhiều thách thức như: kết nối sản xuất và thị trường chưa tốt, việc tái cơ cấu ngành chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp. Bên cạnh đó, quy trình giết mổ, chế biến chưa được quản lý và quy hoạch tốt, tỷ trọng chế biến còn thấp, tổ chức sản xuất còn yếu, chi phí sản xuất cao dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
 
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhiều nhưng chưa đồng bộ và khó đi vào thực tiễn, nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm, quy hoạch chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, hợp tác liên kết giữa các khâu sản xuất, giết mổ, chế biến, phân phối còn ít và lỏng lẻo.
 
Theo Tiến sĩ Võ Trọng Thành trong 10 năm tới, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, sự cạnh tranh ngày càng tăng do hội nhập kinh tế và mở cửa thị trường nội địa; việc kiểm soát dịch bệnh vẫn rất đáng lo ngại do xuất hiện các dịch bệnh mới, vấn đề kháng thuốc, biến chủng virut...và những khó khăn trong kiểm soát môi trường.
 
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trong những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có sự chuyển biến đáng kể, các trang trại Việt Nam đã bắt đầu có ý thức ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang đối mặt với việc chưa xây dựng và thực hiện được quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Theo ông Trần Thanh Nam, hiện nay cả nước có 23.000 trang trại chăn nuôi nhưng mới có 1.505 trang trại an toàn dịch bệnh, 50 vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Đây là con số rất nhỏ, chưa thể đáp ứng được việc xây dựng chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
 
Thêm vào đó, ngành chăn nuôi chưa xây dựng được chuỗi giá trị bình ổn thị trường có thể hài hòa lợi ích cho cả người chăn nuôi, người kinh doanh và người tiêu dùng. Ngoài ra, hiện nay năng suất, sản lượng ngành chăn nuôi Việt Nam rất lớn nhưng sản lượng xuất khẩu còn hạn chế, mới được 10.000 tấn (thịt lợn và gà). Trong khi đó, nhiều thời điểm nguồn cung tăng vọt, thị trường nội địa tiêu thụ không kịp khiến giá sản phẩm chăn nuôi giảm sâu, người chăn nuôi thiệt hại nặng.
 
Giải pháp phát triển nhanh và bền vững 
Để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chăn nuôi từ sản xuất đến thị trường. Tiến sĩ Võ Trọng Thành phân tích, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phát triển song song các phương thức công nghiệp kết hợp với truyền thống và hữu cơ.

Có giải pháp sản xuất cho năng suất tốt, chất lượng cao nhưng giá cả vẫn cạnh tranh. Song song đó, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và an toàn môi trường. Về thị trường, bên cạnh việc tăng tiêu thụ nội địa, ngành chăn nuôi cần định hướng tới việc xuất khẩu, trước hết là thị trường khu vực ASEAN và Trung Đông.
 
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam cho rằng, xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi, chế biến, tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi là hướng đi tất yếu vì yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay là được sử dụng sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thì phải tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết, giảm tối đa các khâu trung gian.

Cụ thể, người chăn nuôi, các trang trại phải thay đổi cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý quy trình sản xuất. Thêm vào đó, cần xây dựng thương hiệu cho các chuỗi liên kết có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
 
Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, sản xuất, chế biến Đồng Hiệp (Đồng Nai) cho rằng, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đưa ra các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.
 
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trí Công, Hợp tác xã Đồng Hiệp đã triển khai chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo mô hình: Chi nhánh hợp tác xã - điểm trưng bày - giới thiệu nông sản an toàn - bình ổn giá và đạt được những kết quả tích cực, kiểm soát được đầu vào, quy trình giết mổ, sơ chế cũng như quá trình bảo quản và vận chuyển tuân thủ vệ sinh thú y….

Trong chuỗi liên kết này, các trang trại được bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và các quyền lợi trước những biến động của thị trường. Điểm trưng bày sẽ có được niềm tin từ người tiêu dùng dựa trên những cam kết về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Tuy nhiên, để mở rộng những mô hình chuỗi liên kết như trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để các trang trại mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đồng thời có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng và phát triển các chuỗi có chứng nhận VietGAP.

Mặt khác, cần tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, tạo động lực để người chăn nuôi có động lực tham gia vào chuỗi sản xuất an toàn, bền vững./. 
Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm