Xây dựng bờ kè chắn sóng, góp phần ổn định đời sống người dân

Xây dựng bờ kè chắn sóng, góp phần ổn định đời sống người dân
Bờ biển Khánh Hòa có chiều dài khoảng 385 km. Theo các nhà nghiên cứu, bờ biển của tỉnh này thuộc dạng “bờ biển trẻ”, quá trình xâm thực, mài mòn và bồi đắp tự nhiên phát triển mạnh. Trong khi đó, Khánh Hòa là một trong những địa phương ven biển chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tình trạng biển xâm thực ngày càng diễn biến phức tạp, gây sạt lở vùng bờ và thiệt hại về tài sản của người dân.

Thi công tuyến đê, kè biển trên đường Hoàng Sa. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Thi công tuyến đê, kè biển trên đường Hoàng Sa. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Khó khăn nhất hiện nay của địa phương là thiếu nguồn vốn để xây dựng các công trình bờ kè chắn sóng biển, tổ chức hỗ trợ di dời, sắp xếp chỗ ở cho người dân sinh sống ở vùng thường xuyên bị biển xâm thực. Từ trước đến nay, phần lớn trong tổng số vốn đầu tư xây dựng các bờ kè chắn sóng biển ở địa phương là do Trung ương hỗ trợ. Việc cấp và giải ngân nguồn vốn đầu tư có vai trò rất quan trọng trong thực hiện tiến độ các công trình.

Khu dân cư ven biển thôn Phú Hội 2, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, thường xuyên bị biển xâm thực khiến bờ biển bị sạt lở với chiều dài khoảng 600 m. Theo người dân địa phương, những năm gần đây, ở khu vực này nước biển thường dâng cao, có sóng lớn, biển xâm thực mạnh vào sâu đất liền từ 10 – 15m. Nguyên nhân là do đây là vùng lõm của bờ biển xã Vạn Thắng, nơi trực tiếp chịu sự tác động của sóng biển. Hệ quả là đã làm vùng ven bờ bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 60 hộ dân. Thời gian qua, người dân địa phương đã đổ đá chẻ, đá hộc dọc theo đoạn bờ biển bị sạt lở, nhằm giảm sự tác động của triều cường và sóng biển, tuy nhiên giải pháp này chỉ mang tính tạm thời.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, đưa hạng mục bờ kè chắn sóng bảo vệ khu dân cư ven biển thôn Phú Hội 2 vào tổng thể của Dự án “Bến cá Quảng Hội” để có nguồn vốn đầu tư.

UBND thị xã Ninh Hòa cũng vừa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét triển khai đầu tư xây dựng bờ kè chắn sóng dài khoảng 1 km, dọc bờ biển thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước để đảm bảo an toàn cho 60 hộ dân nơi đây. Tại thôn Ninh Tịnh, biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 3 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tài sản của người dân. Trước đây, người dân địa phương đã làm bờ kè tạm dài khoảng 200 m bằng đá chẻ và cọc tre nhằm hạn chế tác động của biển xâm thực. Tuy nhiên, bờ kè tạm này hay bị hư hỏng do tác động của sóng lớn. Để bảo đảm an toàn trong mùa lũ năm 2017, người dân thôn Ninh Tịnh tiếp tục phải dựng bờ kè tạm bằng nhiều tảng đá lớn, khắc phục được khoảng 60% phần bờ kè đã làm trước đây nhưng bị hư hỏng.

Khu vực bờ kè biển phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang) đi qua tổ dân phố Tây Hải 1 và Tây Hải 2 có 74 hộ và 350 nhân khẩu. Gần 10 năm qua, các hộ dân sinh sống ở đây vẫn mong chờ bờ kè chắn sóng biển được xây dựng để cuộc sống được an toàn. Đa số hộ dân nơi đây làm nghề đánh bắt hải sản, trong đó nhiều hộ sinh sống trong nhà tạm chật hẹp ở ngay mép nước biển nên hay bị sóng biển, triều cường, mưa bão gây thiệt hại. Sự an toàn của người dân sinh sống ở đây không thể duy trì mãi được, nếu như không có bờ kè chắn sóng. Sau quá trình kiểm tra và đánh giá, năm 2011 UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt dự án làm bờ kè bờ biển phường Vĩnh Nguyên nhưng chưa thể thực hiện do nguồn vốn đầu tư lớn.

Nhà thầu vừa tổ chức thi công mái kè vừa thực hiện thi công các mỏ hàn ngoài bờ biển để ngăn nước biển xâm thực. Ảnh: Thế Lập – TTXVN.
Nhà thầu vừa tổ chức thi công mái kè vừa thực hiện thi công các mỏ hàn ngoài bờ biển để ngăn nước biển xâm thực. Ảnh: Thế Lập – TTXVN.

Mới đây, tỉnh Khánh Hòa dự kiến đầu tư trên 200 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2017-2019, xây dựng bờ kè chống xâm thực bờ biển phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang. Theo thiết kế, bờ kè biển phường Vĩnh Nguyên cách mép nước 28 m, dài khoảng trên 500 m, đi qua Tổ dân phố Tây Hải 1 và Tây Hải 2. Đây được xem là một trong những công trình cấp thiết nhất từ trước đến nay nhằm chống tình trạng xâm thực và xói lở bờ biển, vốn đang diễn biến ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đang đầu tư xây dựng công trình bờ kè ven biển thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Theo đó, công trình có chiều dài gần 1.170 m, vốn đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 90 tỷ đồng, phần vốn còn lại từ ngân sách của địa phương. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2018 giúp ổn định cuộc sống của gần 200 hộ dân, bảo vệ 16 ha đất cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, tài sản của Nhà nước và người dân ở ven biển. Cũng tại huyện Vạn Ninh, đến tháng 10/2017 đã cơ bản hoàn thành dự án bờ kè chắn sóng biển ở xã Đại Lãnh. Công trình có chiều dài trên 1.000 m, tổng kinh phí đầu tư 135 tỷ đồng, thực hiện từ đầu năm 2016, nhằm chống xâm thực bờ biển, bảo đảm an toàn cho hơn 300 hộ dân.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai, vùng xung yếu… nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân.
Nguyên Lý 

Có thể bạn quan tâm