Xác định lại vị trí của môn lịch sử thay vì “loay hoay” với tích hợp

Xác định lại vị trí của môn lịch sử thay vì “loay hoay” với tích hợp
Lâu nay, vị trí của môn lịch sử vẫn chưa phải là môn học chính trong trường học. Bên cạnh việc “chán” với cách dạy khô cứng, ít tương tác thì điều nữa khiến học sinh không dành nhiều công sức là vì đây là môn học điều kiện chứ không phải là “học để thi”.
Một thử thách lớn với giáo viên
Trả lời cho các câu hỏi “Em có thích học môn lịch sử không?”, “Em có lựa chọn môn lịch sử để thi không”, “Em thấy việc học sử trong trường học thế nào?”, đa phần các học sinh đều lắc đầu, cười trừ hoặc nhún vai, một vài học sinh đã thành thật kể về giờ học lịch sử trong trường học. Một số nói rằng: “Em không thi đại học môn này nên học chỉ để đủ điểm tốt nghiệp”. Một số nói rằng: “Học rất buồn ngủ và không nhớ nổi các sự kiện” và “Em không chọn môn sử để thi vì không có hứng thú”. Em Nguyễn Hoàng Minh (học sinh trường THPT Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Vì môn lịch sử không được coi trọng như các môn toán, văn hay ngoại ngữ nên nhiều bạn tỏ ra không tôn trọng giáo viên trong chính giờ học sử. Em biết cô giáo đã rất nỗ lực thay đổi bài giảng cho hấp dẫn hơn như có nhiều hình minh họa và giúp chúng em ghi nhớ các sự kiện. Nhưng việc nhớ máy móc và theo chương trình sách giáo khoa khiến em cảm thấy môn này “rất khoai”. Một số không hứng thú khiến cô giáo cũng rất nản”.
Xác định lại vị trí của môn lịch sử thay vì “loay hoay” với tích hợp ảnh 1
Một giờ học lịch sử tương tác khiến học sinh hứng thú hơn.
Còn sinh viên Nguyễn Thu Trà (Học viện Ngân hàng Hà Nội) chia sẻ: “Tuy môn lịch sử không phải là môn thi đại học nhưng em vẫn rất hứng thú với môn này bởi thầy giáo dạy em là một người rất hài hước. Không chỉ em mà nhiều khóa học sinh ở trường THPT Nguyễn Huệ, Ninh Bình đều nhớ về thầy với những bài giảng không hề khô cứng như các sự kiện. Thậm chí, thầy còn nói với bọn em rằng, lịch sử không thể thiếu trong đời sống và muốn “vào đầu” các em cần được học với tinh thần vui vẻ. Hãy coi giờ của thầy như một giờ giải trí vui vẻ. Và gần như, nhiều sự kiện, những câu chuyện lịch sử được thầy “giảng chay” nhưng lại “rất vào”. Giờ học của thầy là những trận cười không ngớt. Nhiều bạn cũng nói rằng, rất tiếc môn sử không phải là môn thi đại học của nhiều trường”.
Không ít giáo viên dạy lịch sử trải lòng, vì môn lịch sử không quan trọng như các môn khác, hơn nữa chương trình sách giáo khoa lại cũ, những sự kiện lịch sử khô cứng nên khiến học sinh chán học. Một giáo viên dạy sử ở trường THPT tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Tâm lý học sinh vẫn là học để thi nên việc không coi trọng môn lịch sử là việc bình thường. Bên cạnh đó, còn những học sinh coi môn học này để thi hay vì niềm đam mê của chính các em. Vì vậy, tôi luôn tìm cách đổi mới cách dạy. Bằng những giáo cụ trực quan, hay tổ chức những buổi đi xem phim tài liệu, bảo tàng... Từ đó, lịch sử đã đi vào như một câu chuyện, một lẽ tự nhiên mà không hề áp đặt. Nhưng phải thừa nhận, khi môn lịch sử vẫn là một môn phụ, chương trình sách giáo khoa không thay đổi thì học sinh không có động lực. Đây là thử thách với giáo viên và với ngành giáo dục”.
Nhìn nhận về cách dạy và học sử trong trường học hiện nay, GS Vũ Minh giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học lịch sử Việt Nam nhìn nhận: “Với cách dạy lịch sử như hiện nay, học sinh không chán mới lạ. Học sinh chọn môn lịch sử ít vì không tạo ra hứng thú cho các em.Trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều và có tính áp đặt. Hoặc để truyền tải một sự kiện lịch sử, giáo viên đưa quá nhiều thông tin (từ nhân danh, địa danh, số lượng, ngày, tháng, năm...) khiến học sinh không thể nhớ nổi. Từ đó, học sinh sợ môn học này. Nếu một môn khoa học mà giáo viên vẫn dạy theo kiểu áp đặt, học sinh chỉ biết học thuộc lòng từng dấu phẩy, dấu chấm thì học sinh ít chọn môn lịch sử để thi tốt nghiệp là điều dễ hiểu”.
Hướng đi mới cho môn lịch sử
Về những thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong trường học đã được bàn đến rất nhiều trong các hội nghị, hội thảo của ngành và Bộ GD - ĐT. Nhìn nhận về thực tế này, trong cải tiến của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn lịch sử có một diện mạo mới. Đó là, môn công dân với Tổ quốc là một môn học mới, tích hợp của ba phân môn: đạo đức - công dân, lịch sử và quốc phòng - an ninh.
PGS TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD - ĐT cho biết: “Đúng là đề xuất của Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có khác với ý kiến của các chuyên gia và giáo viên lịch sử. Tuy nhiên về tầm quan trọng của giáo dục lịch sử và yêu cầu cần bắt buộc học sinh phổ thông học môn này thì đã được thống nhất. Chúng tôi khẳng định trong Chương trình giáo dục phổ thông mới môn lịch sử được học bắt buộc từ tiểu học đến THPT”.
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống lấy dẫn chứng: “Ở tiểu học và THCS, lịch sử được học ở môn tìm hiểu xã hội và môn khoa học xã hội; đến THPT tất cả học sinh bắt buộc phải học môn công dân với Tổ quốc trong đó có môn lịch sử với thời lượng mỗi tuần 1 tiết, mỗi lớp 35 tiết/năm. Ngoài ra ở cấp học này, tất cả những học sinh có ý định thi vào các ngành KHTN và công nghệ - kỹ thuật sau THPT đều bắt buộc phải học lịch sử trong môn khoa học xã hội; còn lại, tất cả những học sinh theo định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực lịch sử sẽ học môn lịch sử (với yêu cầu cao hơn). Như thế vấn đề còn lại chỉ là ở cấp THPT môn lịch sử có tách thành môn học riêng hay tích hợp với môn giáo dục công dân và quốc phòng - an ninh thành môn công dân với Tổ quốc?”.
PGS. TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, theo dự thảo, môn lịch sử ở THPT được tích hợp trong môn công dân với Tổ quốc dựa trên cơ sở sau: Thứ nhất, tích hợp và tái cấu trúc các môn học nhằm “tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học...” là yêu cầu của Nghị quyết 88 - QH13. Việc tích hợp các môn học này cũng nhằm thực hiện yêu cầu Nghị quyết 29 của TW lần thứ 8: “xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng; chủ trương tích hợp và phân hóa, giảm số môn học BB; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.
Theo các yêu cầu trên, nhiều nội dung về giáo dục quốc phòng - an ninh nêu trong Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh như: “Bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, của lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam” cũng là nội dung của các môn lịch sử, ngữ văn, đạo đức - công dân, địa lý, thể dục - thể thao và Hoạt động trải nghiệm... trừ một số nội dung mang tính thực hành như kỹ thuật, chiến thuật, kỹ thật phòng thủ dân sự... Như thế nhiều nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh cần được và có thể tích hợp với giáo dục lịch sử, giáo dục công dân (và ngược lại) để tránh được sự chồng chéo, trùng lặp, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội vận dụng tổng hợp các nội dung giáo dục theo tinh thần tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Thứ hai, đặt các nội dung của ba phân môn này trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung là: tập trung trang bị các tri thức quan trọng, cần thiết nhất với học sinh cấp THPT, khi ra trường tròn 18 tuổi, trở thành công dân Việt Nam với những giá trị truyền thống dân tộc, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là các nội dung tiếp nối, nâng cao những tri thức phổ thông nền tảng về công dân, lịch sử và quố phòng - an ninh đã được hoàn thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản.
“Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là các nội dung giáo dục lịch sử vẫn được coi trọng, còn nó có tách riêng ra hay không thì cần nhìn nhận theo tinh thần và yêu cầu mới, đặt trong tổng thể toàn bộ chương trình. Nếu nói không có tên là làm mất hoặc thủ tiêu môn học này, thì các môn lý, hóa, sinh tích hợp trong môn khoa học tự nhiên và địa lý trong khoa học xã hội... cũng bị thủ tiêu ư? Vì trong dự thảo chương trình mới, chúng cũng không còn là môn học có tên riêng nữa. Các môn học lý, hóa, sinh, địa lý, tin học, công nghệ... đều rất quan trọng nhưng cũng chỉ là môn học tự chọn ở cấp THPT; còn lịch sử, quốc phòng - an ninh và giáo dục công dân do yêu cầu giáo dục tư tưởng, chính trị đã thành môn học bắt buộc cùng với 3 môn công cụ khác là toán, tiếng việt và ngoại ngữ 1”, PGS TS Đỗ Ngọc Thống nói.
Tuy nhiên, xung quanh thông tin này, nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng cần nhìn nhận lại vị trí của môn lịch sử trong trường học. Từ đó, có những thay đổi cần thiết trong cách dạy và học.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng khoa học lịch sử Việt Nam Hãy coi môn lịch sử như một môn khoa học 

Môn lịch sử cần được đặt đúng vị thế của một môn khoa học. Từ đó, cần chọn những kiến thức thật cần thiết cùng với cách dạy, cách học phù hợp thì sẽ là một trong những môn học rất hấp dẫn của giới trẻ. Học sinh không chọn môn sử là trách nhiệm của người lớn, của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa, của giáo viên, bao trùm lên là trách nhiệm chỉ đạo và thiết kế môn học của Bộ GD - ĐT. Trên thực tế có một số giáo viên đầy tâm huyết với môn học và học sinh, cố gắng cải tiến cách dạy, chăm lo hướng dẫn phương pháp học tập cho các em. Sự cố gắng của một số thầy, cô giáo hay sự cải tiến trong một vài khâu nào đó không thể thay đổi toàn cục. Nhưng môn học lịch sử không được coi trọng là nằm trong cả hệ thống từ nhận thức về vị thế, yêu cầu, mục tiêu của môn học cho đến chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên. Tôi không đồng tình việc xóa bỏ môn lịch sử, kể cả việc cắt xén từng bộ phận và lồng ghép tùy tiện vào các môn học khác từ cấp trung học cơ sở. Việc bảo vệ môn lịch sử như môn học cơ bản và bắt buộc phải gắn liền với việc đổi mới cơ bản và toàn diện mộn học này, khắc phục triệt để những yếu kém hiện nay, trước hết là đặt đúng vị thế và nêu cao tính khoa học của môn học này


Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương, chuyên ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản) Cần có nghiên cứu sâu về giáo dục lịch sử trên thế giới vào chương trình sư phạm 

Hiện tại, giáo dục lịch sử ở Việt Nam đang ở trong một cuộc khủng hoảng ở cả lý luận và thực tiễn. Trong lý luận, thiếu một hệ thống lý luận mới, tiếp cận được với thế giới, trong thực tiễn thiếu các sáng tạo có "triết lý". Những cải cách ở thực tiễn chủ yếu thiên về phần "kĩ thuật". Để thoát ra khỏi thực trạng, ngành giáo dục nên đưa những nghiên cứu sâu về giáo dục lịch sử trên thế giới vào nội dung chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Thông qua đó, sinh viên có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu xem ở các nước người ta dạy và học lịch sử như thế nào. Từ đó tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra hướng đi cần thiết cho bản thân trong quá trình học tập và hành nghề sau này.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm