Xã vùng cao Đồng Sơn vươn lên thoát nghèo

Xã vùng cao Đồng Sơn vươn lên thoát nghèo
Đồng Sơn là một trong 3 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Ảnh: Trung Nguyên – TTXVN
Đồng Sơn là một trong 3 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Ảnh: Trung Nguyên – TTXVN

Thôn Khe Càn có 4 xóm là Khe Nội, Khe Táo, Cầm Kẻn và Đồng Cầm với 118 hộ dân, 567 nhân khẩu, 99% dân số là đồng bào dân tộc Dao, 80% các hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Thôn có diện tích lớn nhưng đa phần là đồi núi, do đó người dân phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ, trồng lúa, trồng cây keo. Trưởng thôn Khe Càn, ông Linh Du Liên chia sẻ: Thôn còn nghèo lắm, người dân trong thôn chỉ biết cấy lúa, trồng khoai, sắn và trồng rừng để lấy kế sinh nhai. Trình độ dân trí của người dân trong thôn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đa số lại là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết phát triển kinh tế bằng làm thuê và chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ.

Điển hình như gia đình ông Ninh Tiến Đức với 7 nhân khẩu cùng sinh sống trong ngôi nhà có nhiều chỗ đã nứt vỡ tại xóm Khe Nội, thôn Khe Càn. Gia đình ông thuộc hộ nghèo, kinh tế dựa vào hơn 1 ha trồng cây keo nhưng 3 - 4 năm mới được thu nhập nên chẳng được bao nhiêu. Ngoài thời gian lên rừng bóc keo, gia đình ông nuôi thêm gà để cải thiện bữa cơm gia đình. Ông mong muốn xã có những chính sách hỗ trợ người dân tìm được việc làm để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo.

Những năm qua, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Sơn đã từng bước triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tới các thôn, bản, giúp người dân có điều kiện để phát triển sản xuất. Trong đó, các thôn Khe Càn, Khe Nội được đầu tư xây mới 2 đập tràn, 400m đường vào nhà dân, trường mầm non, nhà văn hóa, công trình nước sạch cũng được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. Bên cạnh đó, xã cũng vận động người dân tích cực tham gia các lớp tập huấn về đổi mới phương thức sản xuất giống cây trồng, vật nuôi do huyện tổ chức, để từng bước phát triển kinh tế gia đình. Nhờ những chính sách hỗ trợ của xã mà một số gia đình trong thôn đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no ấm hơn. Đơn cử như gia đình anh Bàn Văn Lâm ở xóm Cầm Kẻn, anh Đặng Hữu Tình ở xóm Khe Nội… Anh Lâm chia sẻ: "Qua học tập các lớp bồi dưỡng về mô hình chăn nuôi mới do huyện tổ chức, tôi đã mạnh dạn vay vốn và mở gia trại chăn nuôi hơn 1000 con gà giống Ai Cập từ tháng 5/2017. Tới nay, gia đình đã xuất chuồng được lứa đầu tiên, trừ hết chi phí, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/lứa."

Tuy nhiên, tỉ lệ hộ phát triển kinh tế, thoát nghèo trong thôn còn rất thấp. Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn Đặng Hữu Linh cho biết, khó nhất vẫn là việc tuyên truyền vận động người dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất nhỏ lẻ. Họ vốn phụ thuộc vào rừng và thiên nhiên, thậm chí có nhiều hộ trông chờ ỷ lại vào chính sách…

Cách thôn Khe Càn không xa là xóm Khe Kẻn. Nhớ lại những năm trước, nhiều người dân xóm Khe Kẻn vẫn không khỏi bùi ngùi. Xóm không có điện lưới, đời sống của bà con tối tăm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Việc nấu cơm, giặt giũ, sinh hoạt còn khó khăn chứ nói gì đến phát triển kinh tế... Nhờ có công trình trạm biến áp và kéo đường điện dân sinh do tỉnh Đoàn đảm nhận, người dân Khe Kẻn mới có được như ngày hôm nay. Xây dựng trạm biến áp và kéo đường điện dân sinh cho xóm Khe Kẻn, thôn Tân Ốc II là một trong những công trình trọng điểm do tỉnh Đoàn đảm nhận nhằm hỗ trợ 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoành Bồ là Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Cùng với công trình điện lưới đã hoàn thành, tại xã Đồng Sơn, tổ chức Đoàn từng bước tiếp tục huy động nguồn lực từ đoàn viên, thanh niên và xã hội hóa đổ bê tông sân nhà văn hóa; hoàn thành 6 công trình đường liên thôn, nội thôn, tổng chiều dài 26km và cải tạo, xây dựng các công trình thủy lợi.

Từ sự trợ giúp của tổ chức Đoàn và các nguồn lực hỗ trợ ưu đãi, nhiều người dân xã Đồng Sơn đã bắt tay vào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Như gia đình anh Đặng Tằng Dương (thôn Phủ Liễn) đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển đàn lợn hơn 20 con, chuẩn bị xuất chuồng lứa đầu tiên; gia đình anh Đặng Tằng Hình (thôn Tân Ốc II) vay được 30 triệu đồng để mở rộng mô hình trồng cây keo, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm...

Người dân tộc Dao xã Đồng Sơn được vay vốn ưu đãi sản xuất thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Nguyên – TTXVN
Người dân tộc Dao xã Đồng Sơn được vay vốn ưu đãi sản xuất thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Nguyên – TTXVN

Tính đến cuối năm 2017, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và trái phiếu Chính phủ, Đồng Sơn đã nỗ lực đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất. Một số mô hình phát triển kinh tế đang được triển khai đạt kết quả tốt như nuôi ong mật, nuôi gà, nuôi lợn thịt, trồng cam, ổi, keo, quế... Đáng chú ý là việc hình thành vùng sản xuất tập trung cây ba kích tím và lá thuốc truyền thống của người Dao, diện tích 15ha tại thôn Tân Ốc II. Đến nay, ba kích tím ở Tân Ốc II đã ra củ, đang được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Lá thuốc truyền thống của người Dao đã được Hợp tác xã Quế Sơn xây dựng thành các sản phẩm OCOP của huyện (OCOP là chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) với 2 sản phẩm chính là lá thuốc tắm dành cho phụ nữ sau sinh, trẻ sơ sinh và lá thuốc ngâm chân.

Tận dụng lợi thế đất rừng, Đồng Tâm đã giao gần 5.000ha rừng cho trên 500 hộ dân phát triển các mô hình trồng keo, quế, dược liệu... Đây đang được xác định là nguồn thu nhập chủ yếu, giúp người dân xã Đồng Sơn từng bước thoát nghèo. Bên cạnh đó, xã đã và đang tích cực lập, thẩm định hồ sơ dự toán, giải ngân và phân khai nguồn vốn, triển khai hỗ trợ 81 dự án phát triển kinh tế trồng trọt và chăn nuôi.

Cùng với công trình “huyết mạch” tỉnh lộ 342 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp mở rộng, củng cố giao thương hàng hóa với các địa phương lân cận như huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), Sơn Động (Bắc Giang), Đồng Sơn chắc chắn sẽ có thêm động lực để giảm nghèo bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo lộ trình đã đề ra.

Tính đến đầu năm 2018, Đồng Sơn đã hoàn thành 8/19 tiêu chí và 21/39 chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đến năm 2018 thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và năm 2019 cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, huyện và sự chung tay của xã hội, Đồng Sơn xác định phát huy nội lực, tập trung vào các tiêu chí về nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Trung Nguyên 

Có thể bạn quan tâm