Xuân về trên quê hương cách mạng Kim Bình lịch sử

Xuân về trên quê hương cách mạng Kim Bình lịch sử

Hai bên đường cờ hoa rực rỡ, sự sầm uất không khác gì “phố huyện”… là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Kim Bình. Anh Hà Kim Giang, hướng dẫn viên tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình cho biết: Kim Bình có vị trí chiến lược quan trọng trong An toàn khu, người dân một lòng đi theo Đảng. Do vậy tháng 2/1951, Kim Bình được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại khu rừng Nà Loáng (thôn Phú An), nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Đây là Đại hội Đảng đầu tiên diễn ra ở trong nước, vào thời điểm cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Du khách thăm quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán- TTXVN
Du khách thăm quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Đại hội đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới vận mệnh của cả dân tộc: Đề ra chủ trương, đường lối đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư... 

Ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Tày, thôn Khuân Nhự, xã Kim Bình, năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn nhớ như in không khí trong những ngày chuẩn bị cho Đại hội năm xưa. Khi Đại hội diễn ra tại Kim Bình, lúc đó ông Bảo mới 14 tuổi. Thời điểm diễn ra Đại hội đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên nhân dân Kim Bình đã được đón Tết cùng Bác và các đại biểu. Ngoài giờ họp, Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với người dân, không khí rất ấm cúng và náo nhiệt. Mặc dù, lúc ấy người dân Kim Bình rất nghèo nhưng ai cũng đóng góp gạo, rau, muối… để nuôi cán bộ trong thời gian diễn ra Đại hội. 

Với truyền thống cách mạng lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân ở Kim Bình luôn đoàn kết xây dựng quê hương. Cách đây gần 3 năm, Kim Bình là một trong những xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, trường lớp, bệnh viện… ở Kim Bình được xây dựng khang trang; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa sạch đẹp; phương thức sản xuất của người dân chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống của người dân Kim Bình hiện nay đã có bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,83%; 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia… Đặc biệt, với tinh thần tự lực, tự cường không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, năm 2017 xã Kim Bình có 35 hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, tạo cơ hội cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn được giúp đỡ. 

Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng thôn Khuôn Nhự - thôn điển hình về công tác giảm nghèo của xã Kim Bình cho biết: Cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân là cây mía với hơn 30ha. Từ khi xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp đã giúp người dân trong thôn nâng cao giá trị hàng hóa bởi thương lái có thể đưa xe vào tận ruộng để thu mua nông sản. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, ngoài vận động người dân thâm canh tăng năng suất lúa, ngô… thôn còn vận động các gia đình có con em đến tuổi lao động làm việc ở trong và ngoài nước. 

Hiện nay, thôn đang có 60 người làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Lực lượng lao động này có đóng góp không nhỏ giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Thôn Khuôn Nhự có 96 hộ dân, trong đó trên 90% là dân tộc Tày. Nhờ tập trung phát triển kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng ổn định, một số hộ nghèo trong thôn đã xin ra khỏi diện nghèo. Đầu năm 2017, thôn còn 7 hộ nghèo nhưng nhờ thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đến nay các hộ này đều đã thoát nghèo; 100% gia đình trong thôn đều có ti vi, xe máy để phục vụ sinh hoạt hàng ngày… 

Là một trong những hộ vừa xin ra khỏi hộ nghèo, anh Lèng Văn Tuyến, dân tộc Tày, thôn Khuôn Nhự, chia sẻ: Năm 2015, gia đình anh được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ một con bò sinh sản theo hình thức “nuôi bò trả bê”. Ngoài ra, anh vay mượn thêm bạn bè mua một con bò sinh sản. Hiện nay, con bò anh mua thêm đã đẻ được 1 con bê, sang tháng con bò được hỗ trợ sẽ đẻ thêm 1 con bê nữa. Khi bê lớn, gia đình anh có thể trả nợ bò cho Hội Nông dân. Cuối năm 2017, gia đình anh đã tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho nhiều gia đình khác khó khăn hơn. 

Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; người dân chủ động, chịu khó học hỏi trong phát triển kinh tế. Để tiếp tục duy trì và nâng cao 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã Kim Bình sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ các chương trình dự án, đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Trọng tâm là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh cây chuối tây, thực hiện mô hình cánh đồng mía lớn, tạo thêm việc làm cho người lao động giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả... Xã phấn đấu hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 30 triệu đồng/người/năm và giảm thêm 2% tỷ lệ hộ nghèo.../. 

                                                                                                                   

Vũ Quang Đán 

 

Có thể bạn quan tâm