Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công vùng miền núi phía Bắc

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công vùng miền núi phía Bắc
Các đại biểu đưa ra các kiến nghị nhằm bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Các đại biểu đưa ra các kiến nghị nhằm bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là hội nghị quan trọng để đánh giá kết quả 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, là điều kiện tốt để các tỉnh kiến nghị với Trung ương các biện pháp phát triển phù hợp với từng địa phương trong thời gian tới, bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đáng lưu ý, năm 2020 là năm cuối kỳ của giai đoạn 2016-2020, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Theo ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và mỗi địa phương. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch và hướng đến tính dự báo dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững… Báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến đầu tháng 7/2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng đạt 7,6%, cao hơn bình quân cả nước (6,76%); thu ngân sách của vùng đạt gần 30.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 76.000 tỷ đồng, số doanh nghiệp được thành lập mới toàn vùng là 1.881 doanh nghiệp. Cùng với đó, các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước; thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài bảo đảm nguồn lực cho phát triển. Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh trong vùng cần tranh thủ nguồn vốn để đầu tư phát triển; Chính phủ tiếp tục phân bổ nguồn vốn cho việc di dân tái định cư các công trình thủy điện; bổ sung kế hoạch trung hạn, nguồn vốn ODA cho các dự án trên địa bàn các tỉnh; thực hiện các chính sách mới do Trung ương ban hành như hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Các kiến nghị của các tỉnh trong vùng được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu và sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết theo thẩm quyền và trình Chính phủ giải quyết trong thời gian sớm nhất. Trong năm 2020, các tỉnh trong vùng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành kinh tế và đổi mới môi hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành kinh tế. Cả vùng phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,72 triệu đồng/năm; thu ngân sách đạt 64.138 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 321.296 tỷ đồng; giảm 2,74% tỷ lệ hộ nghèo…
Quang Cường

Có thể bạn quan tâm