Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại huyện miền núi Thường Xuân

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại huyện miền núi Thường Xuân
Cửa hàng kinh doanh gạo sạch của chị Phạm Thị Vinh, tiểu khu 3, thị trấn Thường Xuân luôn đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Cửa hàng kinh doanh gạo sạch của chị Phạm Thị Vinh, tiểu khu 3, thị trấn Thường Xuân luôn đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Hiện toàn huyện đã xây dựng chuỗi cung ứng rau quả với diện tích gần 10 ha, chuỗi cung ứng gia súc, gia cầm an toàn tại các xã vùng cao với hơn 2.800 con, chuỗi cung ứng gạo có diện tích 24,6 ha, chuỗi cung ứng thủy sản rộng 3.000 ha và chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Thường Xuân là huyện miền núi thuộc diện 30a, tại các thôn, bản vùng cao có phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu. Hai năm qua, huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện triển khai mô hình xã, phường, thị trấn an toàn thực phẩm, treo 80 băng rôn, mở 4 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 426 người. Huyện cũng tổ chức 249 lượt giám sát tại 190 hộ, thanh tra 273 cơ sở. Kết quả có 176 hộ được cấp giấy xác nhận có nguồn gốc và 82% cơ sở thanh tra đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại thị trấn Thường Xuân, UBND thị trấn đã xây dựng các chuỗi cung ứng rau quả, chuỗi thịt lợn sạch và chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Điển hình là chuỗi cung ứng rau quả an toàn, UBND thị trấn đã chọn 4 hộ dân tham gia trồng và các cửa hàng kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm thông qua hợp đồng tiêu thụ để xây dựng chuỗi; đồng thời phối hợp với tổ giám sát cộng đồng ký cam kết cho các hộ xác nhận nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Mô hình trồng mướp, dưa, rau sạch của anh Trịnh Đức Chính, tiểu khu 4, thị trấn Thường Xuân thực hiện để cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Mô hình trồng mướp, dưa, rau sạch của anh Trịnh Đức Chính, tiểu khu 4, thị trấn Thường Xuân thực hiện để cung cấp thực phẩm sạch ra thị trường. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Anh Trịnh Đức Chính, tiểu khu 4, thị trấn Thường Xuân, cho biết năm 2018, anh được UBND xã hỗ trợ giống cây, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Sau đó, anh đã mạnh dạn đầu tư, mua các giống cây trồng gồm bưởi, khoai sọ, dưa chuột, rau, mướp để xây dựng mô hình sản xuất và cung cấp rau quả sạch ra thị trường. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã cùng sự cố gắng trong sản xuất, tới nay mô hình đã phát triển mạnh, các sản phẩm cung cấp ra thị trường đều đảm bảo an toàn và được nhiều người tin dùng. Hiện thu nhập bình quân của gia đình anh từ sản xuất, buôn bán thực phẩm sạch đạt 60 triệu đồng/năm. Theo ông Lê Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, nhờ thực hiện có hiệu quả chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, các sản phẩm như rau ngót, gạo, mướp, dưa chuột, thịt lợn sạch đều được xác định rõ nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi bán ra thị trường. Các sản phẩm này đang được cung ứng cho người tiêu dùng mỗi ngày. Huyện Thường Xuân đã xây dựng được 14 bếp ăn tập thể, 3 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Hiện đã có 5 xã, thị trấn đạt 7/8 tiêu chí về an toàn thực phẩm gồm xã Ngọc Phụng, Thọ Thanh, Xuân Dương, Lương Sơn và thị trấn Thường Xuân. Ông Lê Văn Đong, Trưởng phòng Y tế huyện Thường Xuân cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu xây dựng 5 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí xã an toàn thực phẩm, xây dựng thêm 3 bếp ăn tập thể, hoàn thành 14 chuỗi cung ứng thực phẩm sạch; đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng xã, bếp ăn tập thể đạt bộ tiêu chí an toàn thực phẩm.

Nguyễn Nam

Có thể bạn quan tâm