Vùng lũ Bát Mọt mong sớm có trường học mới

Vùng lũ Bát Mọt mong sớm có trường học mới
Hàng trăm mét khối đất, đá, cây gỗ lớn nhỏ nằm ngổn ngang, “bao vây” điểm trường. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Hàng trăm mét khối đất, đá, cây gỗ lớn nhỏ nằm ngổn ngang, “bao vây” điểm trường. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Theo chân hai cán bộ chiến sỹ Biên phòng đồn Bát Mọt, huyện Thường Xuân, chúng tôi tìm đến điểm trường bản Ruộng, xã Bát Mọt khi các em học sinh đang trong tiết học chính. Chứng kiến cảnh thầy và trò dạy và học dưới gầm nhà sàn, chúng tôi không khỏi xót xa và khâm phục nghị lực của các giáo viên và học sinh nơi đây đang ngày đêm khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm bám lớp, bám trường. Để bố trí đủ lớp học cho các em, dưới gầm nhà sàn rộng chưa đầy 50m2 được chia làm 4 phòng, mỗi phòng rộng chưa đầy 10m2 và được ngăn cách với nhau bằng một tấm bạt mỏng. Theo đó, học sinh lớp 1 được bố trí một phòng; một phòng dành cho lớp ghép 2,3; một phòng cho học sinh lớp 4 và một phòng nhỏ được bố trí cho học sinh mầm non.
Học sinh lớp 1 được bố trí một phòng; một phòng dành cho lớp ghép 2,3; một phòng cho học sinh lớp 4 và một phòng nhỏ được bố trí cho học sinh mầm non. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Học sinh lớp 1 được bố trí một phòng; một phòng dành cho lớp ghép 2,3; một phòng cho học sinh lớp 4 và một phòng nhỏ được bố trí cho học sinh mầm non. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Những hôm trời nắng ráo thì việc tổ chức dạy học còn thuận lợi, nhưng vào mùa đông, đặc biệt trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua việc dạy và học gặp nhiều khó khăn. Những tấm bạt mỏng không ngăn nổi cái lạnh tê buốt và những cơn gió lùa qua gầm nhà sàn, nên các em phải học trong điều kiện giá rét, tím tái. Do vậy, vào những hôm rét đậm, rét hại các thầy cô giáo phải đốt lửa bên cạnh lớp học để sưởi ấm cho các em. Còn khi nhiệt độ xuống quá thấp, nhà trường phải cho các em nghỉ học để đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh đó, lớp học diện tích bé, sát gần nhau nên bên nọ giảng, bên kia nghe, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Đặc biệt, việc bố trí lớp học mầm non bên cạnh các lớp tiểu học cũng còn rất nhiều bất cập, khi các tiết học mầm non chủ yếu là hát, múa, các hoạt động ngoài trời, làm cho các em học sinh tiểu học lớp bên cạnh mất tập trung. Các thầy cô giáo cũng đã phải linh động trong tổ chức các giờ dạy, tiết dạy sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục chung tại điểm trường này…

Thầy Lang Văn Yêu, giáo viên điểm trường bản Ruộng cho biết: Cơn lũ dữ vừa qua đã quét sạch toàn bộ bàn, ghế, sách vở và dụng cụ học tập, nên hiện nay việc tổ chức dạy học ở điểm trường này gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thầy Yêu cũng như các thầy cô tại điểm trường rất mong muốn sớm có được một điểm trường mới để thầy cô và học sinh nơi đây yên tâm dạy và học.
Thầy và trò điểm trường bản Ruộng, xã Bát Mọt dạy và học dưới gầm nhà sàn suốt 3 tháng nay. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Thầy và trò điểm trường bản Ruộng, xã Bát Mọt dạy và học dưới gầm nhà sàn suốt 3 tháng nay. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Thầy giáo Vi Hồng Thân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bát Mọt 1 chia sẻ: Mặc dù phải dạy và học trong điều kiện thiếu thốn và tạm bợ, nhưng hàng ngày các thầy cô giáo và các em học sinh vẫn đều đặn đến lớp và tổ chức các hoạt động giáo dục theo đúng chương trình. Điều đáng khâm phục là từ khi chuyển lên nơi mới học sinh vẫn đến lớp đều đặn, không có tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học không lý do. Hiện mong muốn lớn nhất của thầy và trò điểm trường bản Ruộng là sớm có được khu phòng học mới ở nơi đồi cao, tránh được những trận lũ quét, lũ ống khi mùa mưa lũ về để các em học sinh nơi đây có được môi trường học tập an toàn nhất.

Bản Ruộng là bản vùng cao biên giới của xã Bát Mọt với 100% dân tộc Thái. Bản có 47 hộ nhưng chỉ có 2ha đất nông nghiệp, cơn lũ vừa qua đã san bằng toàn bộ diện tích ruộng bậc thang nên hiện tại đời sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trận lũ quét vừa qua đã khiến toàn bộ khu phòng học, nhà giáo viên điểm bản Ruộng bị tàn phá nặng nề. Lũ xói sâu vào chân móng của dãy phòng học khiến cho dãy nhà chênh vênh có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Dãy phòng học của lớp Mầm non cũng bị lũ cuốn làm hư hỏng hết thềm, nền nhà, cột phòng học bị nứt. Hàng trăm mét khối đất, đá, cây gỗ lớn nhỏ nằm ngổn ngang, “bao vây” điểm trường.
Lũ xói sâu vào chân móng của dãy phòng học khiến cho dãy nhà chênh vênh có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Lũ xói sâu vào chân móng của dãy phòng học khiến cho dãy nhà chênh vênh có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Con đường vào điểm trường gần như bị "xóa sổ" hoàn toàn, tạo nên khung cảnh hoang tàn, đổ nát…  Điểm trường bị hư hỏng, không còn sử dụng được, để việc dạy học không bị gián đoạn, buộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân đã quyết định chuyển các em học sinh vào học nhờ dưới gầm nhà sàn của một hộ dân trong bản.

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch huyện Thường Xuân cho biết: Hiện chính quyền huyện đang nỗ lực cùng với xã Bát Mọt chọn địa điểm mới an toàn để sớm xây dựng phòng học cho các em. Huyện quyết tâm trong quý 1 và quý 2/2018 sẽ hoàn thành công trình nhà lớp học mới tại điểm lẻ bản Ruộng để các cháu có trường lớp học an toàn, đảm bảo việc dạy và học theo quy định của ngành giáo dục

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của các cấp chính quyền, sự giúp đỡ, chia sẻ của các "Mạnh thường quân", một ngôi trường mới khang trang sẽ sớm được xây dựng. Đây sẽ là động lực thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền đối với sự phát triển của giáo dục vùng cao. Qua đó, giúp các thầy cô giáo đang “cắm bản” nơi đây yên tâm công tác, tiếp tục “gieo chữ” nơi vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này.
Khiếu Tư - Hoa Mai

Có thể bạn quan tâm