Vùng duyên hải Gò Công phát huy tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu

Vùng duyên hải Gò Công phát huy tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu
Tiền Giang mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước lợ, mặn. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Tiền Giang mở rộng diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước lợ, mặn. 
Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Theo báo cáo của các địa phương trên, từ đầu năm đến nay, toàn vùng đã thả nuôi được gần 5.000 ha tôm, 2.260 ha nghêu. Bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 9.000 tấn tôm thương phẩm và trên 7.000 tấn nghêu thịt. Năm 2019, các huyện vùng duyên hải Gò Công (Tiền Giang) phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên gần 13.000 ha; trong đó diện tích nuôi tôm gần 10.500 ha, còn lại là nuôi nghêu và nhuyễn thể hai mãnh võ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn năm 2019 đạt gần 65.000 tấn trong đó có gần 45.000 tấn tôm và 20.000 tấn nghêu thương phẩm.Tiền Giang có bờ biển dài khoảng 32 km, hai cửa sông lớn là: Soài Rạp trên sông Vàm Cỏ ở phía bắc và Cửa Tiểu trên sông Tiền ở phía nam với hai huyện duyên hải là Gò Công Đông và Tân Phú Đông có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển mà đặc biệt là nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Đối với nuôi trồng, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông chủ trương khai thác tiềm năng đất bãi bồi và lợi thế nguồn nước lợ, mặn để nuôi các đối tượng phù hợp, có giá trị kinh tế cao: nghêu, tôm sú, tôm thẻ... tạo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân vùng khó khăn cũng như xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. Thực hiện mục tiêu trên, các xã ven biển đã định hình được những vùng nuôi thủy sản xuất khẩu tập trung như: nuôi tôm sú và tôm thẻ ở Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), nuôi nghêu ở Tân Thành (Gò Công Đông), nuôi tôm sú và tôm thẻ ở khu vực cồn Cống, xã Phú Tân, Phú Đông, Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông)… Để giúp nông dân phát huy tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu vùng duyên hải, các ngành hữu quan quan tâm tới việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng những mô hình nuôi tiên tiến, hiệu quả…Cụ thể, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong vùng đã tổ chức 53 cuộc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thu hút gần 2.000 lượt nông dân. Nhờ nghề nuôi tôm, nuôi nghêu phát triển, tạo công ăn việc làm, giúp nhiều nông hộ làm giàu, nông nghiệp và nông thôn đổi mới nên xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đã đạt chuẩn và được công nhận ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2018. Huyện Gò Công Đông cũng phấn đấu đến năm 2020 ra mắt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm