Vấn nạn tảo hôn ở Krông Bông, Đắk Lắk

Vấn nạn tảo hôn ở Krông Bông, Đắk Lắk
Lấy chồng từ thuở 13…
 
Mới 34 tuổi nhưng anh Dương Văn Dính ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã có tới 6 người con và đã “được” làm… ông ngoại. Con gái đầu của anh là Dương Thị Tòng (SN 2003) lấy chồng vào năm ngoái và sinh con đầu lòng khi mới tròn 13 tuổi. Mặc dù đang còn đi học nhưng Tòng được một gia đình ở cùng thôn đến “đặt vấn đề” xin hỏi cưới. Vậy là Tòng nghỉ học lấy chồng và sinh con. Tòng tâm sự: “Nhà em nghèo, lại học không giỏi nên lấy chồng để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Hơn nữa, bố mẹ vào Đắk Lắk sinh sống có ít anh em họ hàng nên bảo em lấy chồng, sinh con để cho đông đúc, còn được nhờ”.

Tương tự, chưa đầy 15 tuổi, em Hầu Thị Sinh ở thôn Cư Tê, xã Cư Pui cũng lấy chồng khi đang học lớp 7. Bố của em, ông Hầu Seo Thành giải thích: “Người Mông quan niệm đông con cho vui cửa vui nhà nên mình cũng muốn con lấy chồng sớm để có thêm con, thêm cháu”.

Hiện trên địa bàn xã Cư Pui còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo nhưng vẫn “cố gắng” sinh nhiều con để “vui cửa vui nhà”. Nhiều gia đình thấy rõ hậu quả của việc tảo hôn và nỗi nhọc nhằn do đông con, song họ vẫn chấp nhận kết hôn sớm...
 
Anh Dương Văn Dính ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) mới ngoài 30 tuổi mà đã có cháu ngoại.
Anh Dương Văn Dính ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) mới ngoài 30 tuổi mà đã có cháu ngoại.

Buôn H'Mông, xã Ea Kiết , huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) là một trong những điểm nóng về nạn tảo hôn và sinh đông con. Nhiều trẻ em ở đây vì hoàn cảnh khó khăn nên đã phải bỏ học giữa chừng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho đời sống của người dân quanh quẩn trong sự nghèo khó. Thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn ở buôn H'Mông, vợ chồng anh Sùng A Dinh (27 tuổi) và chị Mã Thị Sí (20 tuổi) tuy còn rất trẻ nhưng đã có đến 5 mặt con, đứa lớn nhất mới lên 7. Hằng ngày anh chị để 5 đứa con nheo nhóc tự chăm nhau để lên rẫy tỉa bắp, tỉa đậu nhưng vẫn đói ăn, thiếu mặc, con cái không được đến trường.
Chị Vương Thị Dương, cán bộ chuyên trách công tác Dân số-KHHGD xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn buôn Mông đã có 4 trường hợp tảo hôn, tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

“Phép vua thu lệ làng”

Đồng bào Mông chiếm tới 56% dân số của xã Cư Pui, huyện Krông Bông sinh sống tập trung tại các thôn Ea Lang, Ea Uôl, Cư Tê, Ea Rớt... Theo ông Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, chuyện dựng vợ gả chồng sớm, sinh con nhiều là một trong những tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mông. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí còn thấp nên việc vận động, thuyết phục họ sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình là điều không dễ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, Cư M'gar lại cho rằng không phải người dân không biết Luật Hôn nhân và Gia đình, vì hằng quý, thậm chí hằng tháng, địa phương đều tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân... Tuy nhiên, “phép vua thua lệ làng” nên việc tảo hôn ở khu vực đồng bào Mông vẫn xảy ra. Nhiều bậc cha mẹ biết luật, nhưng lại chưa rũ bỏ được hủ tục nên cứ đẩy con trẻ vào vòng luẩn quẩn, kết hôn sớm rồi sinh con đẻ cái ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, từ đó dẫn đến đói nghèo và những hệ lụy đau lòng khác.

Có thể thấy, tệ nạn tảo hôn và sinh con đông trong cộng đồng người Mông khiến cho công tác xóa đói, giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Đông con - nghèo đói - thất học, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ đeo bám dai dẳng và đang trở thành gánh nặng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương có người Mông sinh sống.
 
Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Krông Bông, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 31 trường hợp tảo hôn, trong đó có 24 trường hợp xảy ra ở vùng đồng bào người Mông sinh sống (chiếm tỷ lệ hơn 77,4%), tập trung chủ yếu ở các xã: Cư Pui, Cư Đrăm, Hòa Phong. 

Theo baodaklak.vn

TTXVN

Có thể bạn quan tâm