Ứng phó với bão số 5: Những hộ nuôi trồng thủy sản trên biển tại Phú Yên đang hoàn tất việc di chuyển vào bờ

Ứng phó với bão số 5: Những hộ nuôi trồng thủy sản trên biển tại Phú Yên đang hoàn tất việc di chuyển vào bờ
Ngư dân Phú Yên kiểm tra gia cố lại các thiết bị, ngư cụ trên tàu thuyền trước khi bão vào. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Ngư dân Phú Yên kiểm tra gia cố lại các thiết bị, ngư cụ trên tàu thuyền trước khi bão vào. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Thị xã Sông Cầu là địa phương có số lồng bè nuôi trồng thủy sản lớn nhất của tỉnh Phú Yên với trên 77.000 lồng nuôi, chủ yếu là tôm hùm, cá bớp, cá dìa… của 3.070 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển, nếu bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn sẽ gây thiệt hại rất lớn. Vì vậy, để chủ động ứng phó với bão số 5, UBND thị xã Sông Cầu đã thực hiện việc cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền ra khơi; kêu gọi người dân gia cố, đưa tàu thuyền vào các nơi neo đậu an toàn đã được chuẩn bị từ trước như: Vũng Chào, Vịnh Hòa, Phú Vĩnh, Mỹ Thành, Trung Trinh, Đầm Cù Mông. Chính quyền và người dân các địa phương ven biển cũng đã hỗ trợ đưa 2.279 thuyền nhỏ, thúng chai lên bờ an toàn. Đồng thời, UBND thị xã Sông Cầu đã cắt cử lực lượng chốt chặn ở các khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông, vùng sạt lở, nghiêm cấm người dân đi lại tại vùng ngập nước sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông, suối.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Vịnh Xuân Đài sáng 30/10, đã xuất hiện mưa rải rác, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đã thực hiện việc hạ thấp lồng, bè, di chuyển người và các tài sản quan trọng vào bờ, chỉ còn một bộ phận số ít hộ dân vẫn đang thực hiện các công đoạn cuối gia cố lồng, bè, nhấn chìm lồng xuống biển để đảm bảo an toàn.

Anh Trần Thế Đại, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu có 24 lồng nuôi tôm hùm trên Vịnh Xuân Đài. Anh Đại cho biết, để đảm bảo an toàn cho các lồng nuôi anh đã tháo dỡ nhấn chìm các lồng xuống đáy vịnh, độ sâu 5,5m đến 6m, như vậy nếu bão đổ bộ vào, sóng biển, gió sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lồng nuôi.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, trên địa bàn thị xã có 1.800 hộ dân thường xuyên ở trên các bè nổi nuôi thủy sản trên các Vịnh Xuân Đài và Đầm Cù Mông, UBND thị xã đã thông báo cho tất cả các hộ dân phải thực hiện di dời vào bờ trước 11 giờ ngày 30/10. Sau 15 giờ, ngày 30/10, đoàn liên ngành của thị xã sẽ thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp không di dời. UBND thị xã cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, phường bố trí lực lượng trực 24/24 theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của thời tiết; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư để sẵn sàng hỗ trợ, cứu nạn người dân khi xảy ra mưa lớn, lũ quét.

Sáng 30/10, đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại thị xã Sông Cầu, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy đã trực tiếp kiểm tra việc gia cố lồng bè, công tác đảm bảo an toàn cho người dân trên các lồng nuôi trồng thủy sản tại Vịnh Xuân Đài. "Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương và người dân đã thực sự chủ động ứng phó với bão, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Thủy sản. Dự kiến bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, vì vậy chính quyền địa phương và người dân không được phép chủ quan, đồng thời phải thực hiện nghiêm việc cấm biển, tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè khi bão đổ bộ", ông Lưu Văn Huy cho biết.
Phạm Cường

Có thể bạn quan tâm