Trồng tre lấy măng - mô hình bén rễ trên vùng đất bạc màu

Trồng tre lấy măng - mô hình bén rễ trên vùng đất bạc màu
Các đây 5 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Minh, ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc đã trồng thử giống măng Tứ quý – Đài Loan (Trung Quốc) trên vùng đất Phước Thuận. Nhờ đất ven sông bồi pha giàu dinh dưỡng và được chăm sóc kỹ, tre sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và cho nhiều măng. Với 3 sào đất vốn dĩ trước đây được ông Minh trồng điều, nhãn, xoài, sắn... nhưng cây trồng èo uột, năng suất thấp. Nhận thấy tre phát triển tốt, ông mạnh dạn phá bỏ các loại cây trồng trong vườn để trồng giống măng Tứ quý này.

Cũng theo ông Minh, giống tre Tứ quý không kén đất, kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Ngoài dọn vệ sinh quanh gốc cần phải tưới nước liên tục vào mùa khô. Vào tháng chạp, dùng phân chuồng bón thường xuyên cho cây. Ngoài ra, với mỗi sào tre, người trồng nên bón thêm 7kg phân NPK và không được bón sát gốc. Trong quá trình tre sinh trưởng, tuyệt đối không được đốn, tỉa ngọn, nếu không, măng sẽ không mọc.

Với những cây tre từ 3 năm trở lên, người trồng phải đốn bỏ đi, vì đây là những cây tre đã già, chỉ ra trái chứ không đẻ măng. Thời gian tre đẻ măng nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Sau 5 năm, đến nay, vườn tre của gia đình ông  phát triển lên 260 gốc. Trung bình mỗi gốc ông thu từ 10 - 15kg măng. Với giá bán từ 20.000  – 40.000 đồng/kg, mỗi năm ông Minh thu về gần 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thêm vào đó, số tiền ông bán tre giống cũng thu về trên 120 triệu đồng/năm.

Nói về hiệu quả của mô hình trồng tre lấy măng, ông Minh cho biết, măng này cho năng suất cao, hiệu quả hơn hẳn so với trồng cây ăn quả, không mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt, giống tre này phù hợp với vùng đất bạc màu như Phước Thuận. Nhờ trồng giống tre này, kinh tế gia đình tôi tương đối ổn định.

Trước đây gia đình ông Mai Văn Dũng -  ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc có hơn 1ha đất nhưng do điều kiện thổ nhưỡng, đất xấu, hiệu quả không cao nên hầu như mảnh đất này ông bỏ hoang, chỉ trồng cỏ nuôi bò, thu nhập của gia đình tương đối thấp. Cách đây hơn 2 năm, nghe giới thiệu về giống măng Tứ Quý ngon và ngọt, ông quyết định mua 20 đốt tre giống về trồng thử.

Do là giống dễ trồng và dễ thích nghi với các loại đất nên chỉ 1 thời gian ngắn, những đốt tre giống sinh trưởng và phát triển tốt, sau 8 tháng đã cho thu hoạch măng. Thấy kết quả tốt, ông Dũng tiếp tục nhân giống và trồng thêm trên diện tích 7 sào đất. Sau hơn 2 năm, 7 sào tre cho thu hoạch trung bình 1 tháng gần 500 kg măng, với giá từ 20.000  - 40.000 đồng/kg, mỗi tháng ông thu về hơn 10 - 15 triệu đồng, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Nhờ gắn bó với nghề trồng tre Tứ Quý, hơn 3 năm nay gia đình anh Nguyễn Minh Bình đã có nguồn thu nhập khá hơn. Anh Bình cho biết, trồng tre Tứ Quý không sợ phải thất thu như trồng những loại cây trồng khác, ít rủi ro, dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả đem lại rất cao nên gia đình anh rất hài lòng với hiệu quả của loại cây trồng này.

Để tre cho măng được trắng, giòn và không bị các loại côn trùng chích vào mụt măng, theo cách làm của anh Minh là dùng bao bỏ trấu ung trộn với lá tre rụng sau đó bọc vào những mụt măng, nhờ vậy măng của gia đình anh được thương lái ưu tiên chọn mua. Hiện gia đình anh có 3 sào tre, trung bình mỗi tháng thu nhập từ bán tre giống và măng mang về cho anh gần 25 triệu đồng.

Được biết, trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc hiện có khoảng 10 hộ trồng giống tre lấy măng với diện tích gần 6ha. Qua tìm hiểu, hiện nay mô hình trồng tre lấy măng đang được nhiều nông dân áp dụng, nhờ ưu điểm như dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế khá cao, đặc biệt thích hợp để cải tạo vườn tạp.

Chị Nguyễn Thị Kim Hiền – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, cây tre Tứ Quý cho măng ăn giòn và ngọt, măng phơi khô có màu vàng óng nên được người dân ưa chuộng. Tuổi thọ của cây tre này hơn 30 năm, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định nên trong thời gian tới địa phương sẽ giúp cho bà con phát triển rộng mô hình này.

Qua 5 năm, các mô hình trồng tre lấy măng tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc đã chứng minh đây là loại cây có thể phát triển tốt trên những diện tích đất xấu, đất hoang hóa, bạc màu, đất dốc. Người dân có thể tận dụng mọi diện tích đất trống mà không bị ngập nước, nhiễm phèn để trồng, không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn giúp tạo nguồn thực phẩm thường xuyên. Ngoài ra, các biện pháp thâm canh cây tre lấy măng cũng khá đơn giản nên hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn huyện đang có ý định nhân rộng mô hình này./.
Hoàng Nhị 

Có thể bạn quan tâm