Trồng đậu tương rau cho hiệu quả cao ở huyện Tam Nông

Trồng đậu tương rau cho hiệu quả cao ở huyện Tam Nông
Chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái của bà con huyện Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái của bà con  huyện Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Nhận thấy việc trồng lúa cho năng suất không cao, trong khi giá lúa bấp bênh, ông Lê Văn Thanh, ở ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông đã là người tiên phong thử nghiệm mô hình trồng đậu tương rau trên đất lúa. Ông Thanh cho biết, bén duyên với cây đậu tương rau trong vụ Đông – Xuân 2018 – 2019, trên diện tích 1,4 ha, sau 80 ngày trồng, ông thu được 21 tấn quả. Năng suất trung bình 15 tấn/ha, toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua tại ruộng với giá 9.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Thanh còn lãi 84 triệu đồng. Hiện tại, ông đã mở rộng diện tích lên 3,4 ha trồng loại cây này. Ông Thanh phân tích, đây là loại cây ngắn ngày, kỹ thuật, khâu chăm sóc khá đơn giản, ít sâu bệnh, tiết kiệm nước tưới và phân bón. So với vụ Đông Xuân, năng suất cây đậu tương rau trong vụ Hè Thu chỉ đạt khoảng 2/3, tức khoảng 10 tấn/ha, do thời tiết ảnh hưởng đến tỷ lệ vào hạt và chất lượng hạt. Tuy nhiên, “so với việc trồng lúa, cây đậu tương rau cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều” – ông Thanh nói. Vừa thu hoạch xong 4 ha đậu tương rau vụ Xuân Hè 2019 (còn được gọi là vụ Hè Thu sớm), anh Lê Phước Sang ngụ ấp Phú Lâm, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông chia sẻ, năng suất dao động từ 0,8 – 1 tấn/ha, trừ tất cả chi phí sản xuất, anh Sang có lãi hơn 29 triệu đồng/ha. Ngoài việc toàn bộ sản phẩm được bao tiêu, trong quá trình trồng, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt, trước khi thu hoạch, đơn vị thu mua sẽ kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu đạt mức yêu cầu sẽ được hỗ trợ thêm 250 đồng/kg. Ông Hồ Quốc An - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông thông tin, mô hình trồng đậu tương rau được triển khai thực hiện thí điểm từ cuối năm 2018, sau khi được Công ty cổ phần Thực phẩm rau quả An Giang (Antesco) ký hợp đồng cung ứng giống và thu mua sản phẩm, với giá thu mua thỏa thuận từ đầu vụ là 9.000 đồng/kg. Khi cây đậu tương rau vào độ chín công ty sẽ thu mua cả quả, không phải phơi, đập và không phụ thuộc vào thời tiết như những giống đậu tương khác, cho nên hạn chế được nhiều rủi ro cho người nông dân... Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả cho nông dân nên địa phương đã nhân rộng diện tích lên hơn 11ha tại các xã An Long, Phú Thành B, Phú Đức trong vụ Hè Thu 2019. Trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp ký kết lâu dài, năm 2020 huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số xã có diện tích quy hoạch ô bao trồng màu hoặc những diện tích đất gò cao sản xuất lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, ông Hồ Quốc An cũng khuyến cáo nông dân không nên vì lợi nhuận mà sản xuất chồng vụ, cần cải tạo đất và đảm bảo thời gian cách ly các vụ mùa để cắt đứt mầm bệnh. Đặc biệt, đây là loại cây trồng đặc thù – thu hoạch trái tươi, vì vậy không nên tự ý sản xuất khi chưa ký kết tiêu thụ, dễ gây tình trạng cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được sản phẩm.
Chương Đài

Có thể bạn quan tâm