Triển vọng phát triển nuôi lươn thương phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Triển vọng phát triển nuôi lươn thương phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN
 Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN
Nhu cầu thị trường lớn Thịt lươn được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là loại thực phẩm dễ tiêu hóa, đầy đủ dưỡng chất, phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng nên nhu cầu tiêu thụ lươn thịt ở nhiều quốc gia ngày càng tăng. Theo thống kê của Trademap.org CPTPP, các thị trường tiêu dùng nhiều thịt lươn hàng năm đều phải nhập khẩu số lượng lớn, điển hình như Hàn Quốc, nhập khẩu hơn 196 triệu USD, Hồng Kông (Trung Quốc) nhập khẩu hơn 170 triệu USD. Đáng chú ý, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu lươn nhiều nhất thế giới, năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu 9,8 triệu USD lươn thịt từ Trung Quốc, Indonesia và Ma rốc. Ông Võ Chí Cường, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh chiếm tới 40% tổng số lươn tiêu thụ của cả nước với sản lượng tiêu thụ mỗi năm hơn 2.300 tấn, trong khi đó hoạt động chăn nuôi lươn trên địa bàn mới đáp ứng được 194,5 tấn, khoảng 3% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác và lươn đông lạnh từ nước ngoài. Theo ông Võ Chí Cường, lươn thịt đang là loại thực phẩm được nhiều người dân lựa chọn, nguồn cung không đủ cầu nên giá bán cũng khá cao, trung bình giá lươn thịt được bán ở chợ đầu mối giá từ 150.000-200.000 đồng/kg. Với giá bán này, trên diện tích bể nuôi 1.000m2, người nuôi lươn sử dụng giống nhân tạo có thể đạt lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm, còn người nuôi lươn sử dụng giống tự nhiên có thể thu lãi gần 530 triệu đồng/năm. Do đó, có thể nói việc phát triển ngành nuôi lươn thịt trên địa bàn thành phố có nhiều triển vọng để phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường vừa nâng cao thu nhập cho nông dân. Ông Phạm Viết Sơn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp – công nghệ xanh Bình Minh, huyện Củ Chi chia sẻ, trong những năm đây nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thịt lươn của thị trường tăng cao, nghề nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh phát triển khá mạnh, nhiều mô hình nuôi lươn thịt không bùn trong bể xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình này người nuôi có thể tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có nhu chuồng lợn, chuồng bò, diện tích đất trống xung quanh nhà để làm bể nuôi. Do đó, đây là mô hình phù hợp để các nông hộ chuyển đổi vật nuôi trong điều kiện các loại gia súc thường xuyên đối mặt với dịch bệnh hoặc thiếu đầu ra ổn định.
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt cho lợi nhuận 32 triệu đồng sau 10 tháng thả nuôi, với số lượng 3.000 con giống. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN
Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt cho lợi nhuận 32 triệu đồng sau 10 tháng thả nuôi, với số lượng 3.000 con giống. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN
Cần có nền tảng phát triển bền vững Mặc dù dư địa thị trường tiêu thụ lớn nhưng việc phát triển nghề nuôi lươn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang gặp không ít thách thức. Ông Võ Chí Cường cho biết, nghề nuôi lươn ở Tp, Hồ Chí Minh xuất phát điểm là mô hình tự phát ở một số hộ gia đình, tính đến nay toàn thành phố có 27 hộ nuôi lươn với tổng hiện tích nuôi hơn 9.300m2, phần lớn tập trung tại huyện Củ Chi và một phần ở các huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và quận 12. Nhìn chung quy mô nuôi lươn hiện nay tương đối nhỏ lẻ, gần một nửa số hộ nuôi quy mô dưới 10 bể (dưới 60m2) và mới có 2 hộ nuôi trên 100 bể. Theo bà Nguyễn Thị Bé Nhỏ, Trung tâm Khuyến nông Tp. Hồ Chí Minh khó khăn chung của người nuôi lươn hiện nay là số lượng và chất lượng con giống không ổn định. Trước đây, lươn giống chủ yếu được bắt từ tự nhiên tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, gần đây có thêm lươn giống nhập từ Campuchia nhưng chỉ có theo mùa vụ, trong khi cả nước nói chung và tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng chưa có những nghiên cứu và cơ sở nhân giống để cung cấp phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, do phát triển mang tính tự phát nên việc tổ chức liên kết sản xuất và xây dụng chuỗi sản phẩm an toàn chưa được đầu tư dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào thương lái, giá cả không ổn định. Việc tìm đầu ra xuất khẩu còn hạn chế mặc dù tiềm năng và nhu cầu thị trường các nước trong khu vục rất lớn. Hơn nữa, các hộ nuôi lươn hiện nay chưa được hướng dẫn quy trình xử lý nước thải phù hợp, chủ yếu thải trực tiếp ra ao tận dụng nuôi cá hoặc trồng cỏ chăn nuôi nên gây ô nhiễm môi trường. Đánh gia chung về tình hình nuôi lươn trên địa bàn huyện Củ Chi, ông Tô Minh Tú, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho rằng, nghề nuôi lươn hiện nay chưa mang tính ổn dịnh do nguồn cung lươn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, chất lượng không ổn định nên rất khó để phát triển nghề nuôi lươn với quy lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Theo ông Tô Minh Tú, ngoài việc giải quyết vấn đề chất lượng con giống, nguồn thức ăn chuyên dùng cho lươn thì các cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Theo đó, các cơ quan chức năng cần xem xét cho phép xây dựng hồ nuôi lươn tạm trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện để người chăn nuôi mạnh dạn phát triển diện tích nuôi lươn.  Các địa phương phải tăng cường vận động, khuyến khích nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh thông qua hình thức cung ứng vật tư, thiết bị và bao tiêu sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Qua đó, cũng định hướng người nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn theo hướng chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào quy trình nuôi và xử lý chất thải, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi lươn cũng kiến nghị cơ quan chuyên ngành cần nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lươn không bùn để tập huấn cho nông dân, hướng tới mô hình nuôi lươn sạch và hiệu quả vì hiện nay chưa có tài liệu, quy trình nuôi lươn chuẩn, phần lớn người nuôi đều tự mày mò và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Đồng thời, các cơ quan chuyên ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để sản phẩm lươn của thành phố đến gần hơn với người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp chế biến thực phẩm cả nước.
Xuân Anh

Có thể bạn quan tâm