Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp giảm nghèo

Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp giảm nghèo
Cây hoa lài được ví là cây “xóa nghèo” cho đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh. Ảnh: Phúc Sơn - TTXVN
Cây hoa lài được ví là cây “xóa nghèo” cho đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh. Ảnh: Phúc Sơn - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 giảm 1,5% hộ nghèo (tương đương hơn 4.000 hộ), trong đó số hộ nghèo người dân tộc Khmer giảm 3% (tương đương 2.683 hộ) và hộ cận nghèo giảm 1,5% (tương đương 4.137 hộ). Theo đó, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo; giảm chi tiêu trong sinh hoạt để tích lũy kinh tế gia đình. Tỉnh tích cực đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với ngành giáo dục khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân và vận động các nguồn lực hỗ trợ con em các hộ nghèo được đi học, không để tình trạng bỏ học giữa chừng; thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí theo quy định; phối hợp các cơ sở dạy nghề, xây dựng kế hoạch dạy nghề gắn với mục tiêu của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo có việc làm sau đào tạo. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Xây dựng, Ngân hàng Chính sách hỗ trợ vốn vay, vận động xã hội hóa xây nhà ở cho hộ nghèo khó khăn; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho hộ dân nông thôn. Tính đến cuối năm 2018, tỉnh Trà Vinh còn 16.414 hộ nghèo (chiếm gần 6% tổng số hộ dân toàn tỉnh), trong đó hộ nghèo người dân tộc Khmer hơn 10.000 hộ; hơn 23.000 hộ cận nghèo. Thực hiện chương trình 30a (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), từ nguồn vốn Trung ương bố trí hơn 72 tỉ đồng, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; thực hiện 24 dự án hỗ trợ hơn 500 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài cho 78 lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, cận nghèo. Thực hiện Chương trình 135, Trung ương bố trí hơn 52 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 80 công trình hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng 25 công trình cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng 55 mô hình, dự án trồng trọt và chăn nuôi cho gần 700 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… Ngoài các chương trình trên, tỉnh triển khai nguồn vốn hơn 1,2 tỉ đồng hỗ trợ 70 hộ nghèo phát triển sản xuất.
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm