Trà Vinh phân định vùng sản xuất cho tái cơ cấu nông nghiệp

Trà Vinh phân định vùng sản xuất cho tái cơ cấu nông nghiệp
Nông dân huyện Châu Thành , tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN
Nông dân huyện Châu Thành , tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa Hè Thu.
Ảnh: Thanh Hoà - TTXVN
Ông Đỗ Văn Khê, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, kế hoạch phân định từng tiểu vùng sản xuất tập rung của tỉnh được hướng đến với 3 nhóm sản phẩm, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương. Cụ thể, tỉnh phân định các vùng sản xuất và chăn nuôi tập trung, như: tiểu vùng ngọt thuộc các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần và một phần phía Bắc huyện Châu Thành, Trà Cú, sẽ phát triển mạnh sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, chuyển đổi các vùng sản xuất nhỏ lẻ, khó liên kết sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi thuỷ sản. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng các vườn cây ăn trái đặc sản, cây dừa thành vùng tập trung; kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn; phát triển đàn vật nuôi có lợi thế cao như heo, gà vịt… Ở tiểu vùng ngọt hoá của các huyện Cầu Ngang, Trà Cú và một phần huyện Duyên Hải, Châu Thành và thành phố Trà Vinh, sẽ chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc nuôi thuỷ sản; phát triển lúa đặc sản, hữu cơ sinh học; cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và đàn vật nuôi có lợi thế như: bò, heo, dê, gà, vịt… Đối với tiểu vùng mặn gồm phần diện tích phía Nam của Tỉnh lộ 914 tiếp giáp Biển Đông, nằm ngoài đê ngăn mặn của Dự án Nam Măng Thít, được tỉnh đầu tư phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp du lịch biển; phát triển nuôi thuỷ sản sinh thái rừng nhập mặn; nuôi cua, tôm thâm canh, bán thâm canh và sản xuất một số loại màu đặc thù như: hành tím, dưa hấu, khoai lang Nhật…  Riêng các xã đảo Long Hoà, Hoà Minh của huyện Châu Thành và các vùng cù lao ở thành phố Trà Vinh, huyện Cầu Ngang, phát triển thuỷ sản có lợi thế như cá da trơn, tôm, cua, nghêu, sò và nhân rộng mô hình sản xuất lúa đặc sản, lúa hữu cơ, tôm-lúa. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển từng tiểu vùng sản xuất, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các qui trình sản xuất sạch, hữu cơ. Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, khuyến khích, ưu đãi kinh tế tập thể, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,… Qua 5 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh tăng bình quân 1,45%/năm, cơ cấu  chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng thủy sản. Tỉnh đã chuyển đổi được 13.295 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi. Qua đánh giá, hiệu quả các mô hình chuyển đổi tăng từ 1,5 đến 4 lần so với chuyên trồng lúa trước đây. Bình quân, giá trị sản xuất một héc ta đất trồng trọt đạt 127,4 triệu đồng/năm.
Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm