Trà Vinh hỗ trợ phát triển các sản phẩm từ trái dừa

Trà Vinh hỗ trợ phát triển các sản phẩm từ trái dừa
Dừa là một trong 2 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (dừa và lạc) được tỉnh Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị. Ảnh: TTXVN
Dừa là một trong 2 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (dừa và lạc) được tỉnh Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị. Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, chiến lược phát triển ngành hàng dừa hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, ổn định về giá cả để đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân. Sản phẩm từ trái dừa được nâng cao chất lượng chất lượng, đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được giao trách nhiệm hỗ trợ nông dân kỹ thuật thâm canh tăng năng xuất; triển khai mô hình trồng dừa hữu cơ; trồng dừa xen canh với một số loại khác như ca cao, cây có múi để lấy ngắn nuôi dài; tận dụng mương vườn nuôi trồng các loại thủy sản thích hợp để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Từ đầu năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình liên kết sản xuất cho vùng nguyên liệu dừa tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần với 184 hộ nông dân tham gia trồng 203 ha. Đây là mô hình sản xuất trồng dừa hữu cơ được liên kết với hợp tác xã để đảm bảo ổn định về đầu ra và giá.

Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu dừa chất lượng, Trà Vinh đang xúc tiến thu hút đầu tư 16 dự án ở lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, có dự án hợp tác liên kết sản xuất, chế biển và tiêu thụ mặt hàng từ trái dừa.

Các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án sản xuất chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài cơ chế chính sách hiện hành của Trung ương, tỉnh còn ưu đãi thêm cơ chế chính sách của tỉnh như: cho thuê đất, hỗ trợ 30% chi phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường (tối đa 300 triệu đồng/ dự án); 20% lãi suất cho nhà đầu tư mua sắm phương tiện vận tải phục vụ sản xuất chế biến, bảo quản nông sản (tối đa 200 triệu đồng); 30% chi phí đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, kho lạnh di động (tối đa 500 triệu đồng); hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động; tư vấn cho tạo lập, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp.

Hiện Trà Vinh đã dành hơn 12 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển cây dừa, chọn giống thích nghi hạn, mặn, cho năng suất cao và có thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ chứng nhận vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tỉnh dành khoảng 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, kỹ thuật, xúc tiến thương mại trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng dừa.

Trà Vinh có diện tích trồng dừa lớn, đứng thứ 2 sau tỉnh Bến Tre ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 20.000 ha. Hiện tỉnh đã có 50 doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ dừa như: than hoạt tín, nước cốt dừa, nước dừa đóng hộp, sữa dừa, dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, chỉ tơ xơ dừa, mùn dừa,…
Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm