Trà Vinh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Trà Vinh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả
Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu cho thu nhập tăng gấp 4 lần. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN
Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu cho thu nhập tăng gấp 4 lần. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Riêng huyện Trà Cú, do địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập vào mùa khô nên năng suất cây lúa trên địa bàn đạt rất thấp. Thêm nữa, toàn huyện có hơn 3.500 ha trồng mía nhưng những năm gần đây, nhiều vụ sản xuất mía của nông dân địa phương liên tục gặp khó về giá cả, thị trường tiêu thụ khiến thu nhập rất bấp bênh. Do vậy, năm 2019, chủ trương của  huyện là chuyển đổi hơn 2.200 ha trồng lúa, mía, vườn tạp kém hiệu quả sang các đối tượng nuôi trồng khác, như trồng màu, khoai, nuôi cá lóc, tôm sú, tôm thẻ chân trắng…

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay. Ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho từng loại cây trồng chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và thu nhập cho người sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây con khác cho hiệu quả cao hơn, từ năm 2014 đến cuối tháng 3/2019, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi được hơn 16.000 ha trồng lúa sang trồng cây ngắn ngày, cây ăn trái, trồng dừa và nuôi thủy sản. Đa phần các diện tích chuyển đổi cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu cho thu nhập tăng gấp 4 lần. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN
Nông dân huyện Châu Thành chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu cho thu nhập tăng gấp 4 lần. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Ông Trần Văn Trôi, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang chia sẻ, gia đình ông có có 1,8 ha đất canh tác, trước đây trồng chuyên canh cây lúa 3 vụ/năm, lợi nhuận mỗi vụ chỉ đạt khoảng 40-50 triệu đồng. Kể từ khi chuyển đổi sang trồng luân canh 1 vụ lúa 2 vụ màu, thu nhập gia đình ông tăng đáng kể. Chỉ tính vụ dưa hấu Đông Xuân vừa qua, ruộng dưa gia đình ông cho sản lượng hơn 50 tấn. Với giá bán được thương lái thu mua tại ruộng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu được lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Kết thúc vụ dưa hấu, gia đình ông Trôi trồng bí đỏ. Hiện bí đỏ đang giai đoạn đơm hoa, kết trái, năng suất ước đạt hơn 2,5 tấn/1.000m2. Theo ông Trôi, chỉ tính thu nhập từ bông bí và trái bí non, gia đình ông đã thu hồi được vốn đầu tư.  Nếu giá cả thị trường không biến động nhiều, vụ thu hoạch bí đỏ này, gia đình ông thu lợi nhuận cũng tương đương vụ dưa hấu Đông Xuân vừa qua.

Ông Võ Văn Thủy, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, gia đình ông được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đưa cây màu xuống chân ruộng lúa kém hiệu quả. Kể từ khi chuyển đổi 0,3 ha trồng lúa sang trồng màu từ năm 2015 đến nay, gia đình ông luôn thu được lợi nhuận tăng gấp 3-4 lần so với trồng lúa trước kia. Vụ màu mùa khô này, gia đình ông trồng 0,1 ha ớt chỉ thiên, 0,1 ha dưa chuột và 0,1 ha mướp đắng. Với giá bán 25.000 đồng/kg ớt, 6.000 - 7.000 đồng/kg dưa chuột và mướp đắng, sau khi từ chi phí đầu tư, gia đình ông đạt lợi nhuận 25 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, địa phương có nhiều diện tích sản xuất lúa không hiệu quả do  thường xuyên thiếu nước tưới và bị mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô, nên cây lúa ở đây cho năng suất và chất lượng rất kém. Vì vậy, tỉnh khuyến khích nông dân cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu trên cùng một đơn vị canh tác.

Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách của Trung ương như hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản…

Trong 2 năm 2017 và 2018, UBND tỉnh Trà Vinh đã bố trí tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương hỗ trợ nông dân sản xuất theo định hướng của tỉnh, như sản xuất rau an tòan; cải tạo nâng cấp vườn cây ăn trái, vườn dừa; hỗ trợ cho thuê đất trồng trọt, nuôi cá, cua, tôm; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc, rau màu…

Tuy vậy, để việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây con khác đạt hiệu quả cao, phù hợp với hệ thống hạ tầng địa phương và có thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi theo quy hoạch, sản xuất những sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển của tỉnh để dễ quản lý năng suất, chất lượng, và đặc biệt là liên kết với thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Thanh Hòa

Có thể bạn quan tâm