Tỉnh đoàn Hà Giang tạo đà cho thanh niên phát triển kinh tế

Tỉnh đoàn Hà Giang tạo đà cho thanh niên phát triển kinh tế
 
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Hà Giang luôn tạo những điều kiện tốt nhất để khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia phong trào khởi nghiệp. Ảnh: Nam Sương
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Hà Giang luôn tạo những điều kiện tốt nhất để khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia phong trào khởi nghiệp. Ảnh: Nam Sương 

Tỉnh Hà Giang là địa phương còn gặp nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, trình độ nhận thức... Nhưng không nằm ngoài xu thế, được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền, phong trào khởi nghiệp đã được coi là vấn đề quan trọng trong công tác đoàn của tỉnh Hà Giang. Phong trào khởi nghiệp được phát triển mạnh mẽ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đang hòa mình với phong trào, phát huy tinh thần nhiệt huyết sáng tạo của tuổi trẻ, tạo dựng nhiều mô hình kinh tế, nhiều cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả cao, xác định được hướng phát triển kinh tế gia đình ngay trên mảnh đất quê hương, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội.
 

Lan tỏa mô hình khởi nghiệp kinh tế thanh niên

Các tổ chức đoàn ở Hà Giang đã nỗ lực đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho các đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, đặt những viên gạch đầu tiên để biến những ước mơ, nhiệt huyết của tuổi trẻ thành hiện thực.

Đoàn thanh niên huyện Quang Bình luôn xác định nhiệm vụ trong tâm, then chốt là vận động, tuyên truyền, hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế, làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình là mô hình khởi nghiệp của chị Lý Thị Minh, sinh năm 1992, dân tộc Dao, ở thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Tốt nghiệp Đại học Lâm - Nông Thái Nguyên, còn khá trẻ nhưng chị Minh đã vận dụng những kiến thức mình học được mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình kinh tế trang trại. Được huyện đoàn Quang Bình hỗ trợ bảo lãnh, chị Minh vay 90 triệu từ nguồn vốn khởi nghiệp của huyện để đầu tư mô hình nuôi 300 con gà sao đặc sản, 50 con lợn "tên lửa", trồng chè... sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng đặc sản, nuôi đến đâu, hết đến đó không đủ cung cấp cho đầu ra. Với sức trẻ và ý chí vươn lên, bước đầu, mỗi năm, gia đình chị Lý Thị Minh thu lãi được khoảng 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình dần ổn định.
 
Mô hình khởi nghiệp nuôi gà sao đặc sản, lợn "tên lửa" của chị Lý Thị Minh, người dân tộc Dao ở xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Ảnh: Nam Sương
Mô hình khởi nghiệp nuôi gà sao đặc sản, lợn "tên lửa" của chị Lý Thị Minh, người dân tộc Dao ở xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình cho thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống gia đình. Ảnh: Nam Sương 
Hiện toàn huyện Quang Bình có 186 hộ gia đình đoàn viên thanh niên có mô hình phát triển kinh tế trên 30 triệu đồng, nổi bật như mô hình nuôi gà trĩ đỏ của đoàn viên Tăng Văn Lâm ở xã Vĩ Thượng, mô hình nuôi dê hàng hóa của đoàn viên Chảo Văn Hinh ở xã Tân Bắc...  Anh Hoàng Năm Oăn, Bí thư đoàn thôn Chang, xã Xuân Giang chia sẻ: Hòa cùng phong trào khởi nghiệp của thanh niên, đầu năm 2017, được vay vốn ưu đãi từ Dự án Khởi nghiệp của huyện với số tiền 80 triệu đồng, tôi đã phát triển mô hình VAC tổng hợp. Hiện, gia đình tôi có một khu chuồng trại chăn nuôi lợn gần 200 m2, duy trì 2 - 3 con lợn nái và 60 con lợn thịt mỗi lứa; mỗi năm xuất 2 lứa ra thị trường. Ngoài ra còn có đàn bồ câu khoảng 200 cặp và hơn 100 con gà đen đang phát triển tốt; ao nuôi cá rộng gần 1 ha... tổng thu nhập mỗi năm được khoảng 120 triệu đồng.
Đồng chí Hoàng Thế Hanh - Phó Bí thư huyện Đoàn Quang Bình thăm mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Ảnh: Nam Sương
Đồng chí Hoàng Thế Hanh - Phó Bí thư huyện Đoàn Quang Bình thăm mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Ảnh: Nam Sương 
Khởi nghiệp đã tạo được làn sóng phát triển kinh tế - xã hội tại quê hương, giúp thanh niên yên tâm lập nghiệp tại quê nhà. Anh Phạm Đình Trung, Bí thư huyện Đoàn Quang Bình chia sẻ: Phong trào thanh niên khởi nghiệp được triển khai ở huyện Quang Bình đã nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, tạo nên 1 phong trào sôi nổi. Đây thực sự là phong trào ích nước, lợi nhà, phù hợp với mong muốn cũng như tâm tư nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, giúp giải quyết được việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, nhiều đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn đã phát huy tinh thần "Đảng viên đi trước", trở thành tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, trong đó có đảng viên trẻ Chu Ngọc Thuyết, sinh năm 1988, người dân tộc Tày ở xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Trong ảnh: Xưởng cơ khí của Chu Ngọc Thuyết. Ảnh: Nam Sương
Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, nhiều đảng viên trẻ ở khu vực nông thôn đã phát huy tinh thần "Đảng viên đi trước", trở thành tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, trong đó có đảng viên trẻ Chu Ngọc Thuyết, sinh năm 1988, người dân tộc Tày ở xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Trong ảnh: Xưởng cơ khí của Chu Ngọc Thuyết. Ảnh: Nam Sương 
Ở huyện Vị Xuyên, hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp, huyện đoàn Vị Xuyên đã tập trung rà soát các mô hình kinh tế trong thanh niên và tổng hợp các mô hình cùng sở thích để thành lập các nhóm cùng phát triển kinh tế, như: Nhóm hộ nuôi bò nhốt, trồng cây thanh long ruột đỏ, nhóm nuôi gà, nhóm trồng cam…, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh khuyến khích thanh niên vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.
Hợp tác xã sản xuất giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp Anh Hà với vị giám đốc trẻ Tạ Văn Hà ở tổ 13, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7- 10 lao động địa phương. Ảnh: Nam Sương
Hợp tác xã sản xuất giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp Anh Hà với vị giám đốc trẻ Tạ Văn Hà ở tổ 13, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7- 10 lao động địa phương. Ảnh: Nam Sương 

Đồng chí Hoàng Thị Thanh Huyền, Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên cho biết: Để đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công thì ý chí, quyết tâm của bản thân là yếu tố then chốt, bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên cũng cần có hiểu biết cơ bản về khởi nghiệp, có ý tưởng, có kiến thức về quản lý, kinh doanh, kết nối vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất và cũng cần phải học cách vượt qua thất bại và sáng tạo thường xuyên những ý tưởng mới để đáp ứng thị trường.
 
Anh Hà Ngọc Châm ở thôn Chung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên với tinh thần dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp với mô hình sản xuất sản phẩm chè sạch cao cấp. Ảnh: Nam Sương
Anh Hà Ngọc Châm ở thôn Chung, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên với tinh thần dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp với mô hình sản xuất sản phẩm chè sạch cao cấp. Ảnh: Nam Sương 

Tạo "đòn bẩy" vững chắc cho thanh niên khởi nghiệp 

Xác định công tác đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ban thường vụ tỉnh Đoàn đã cụ thể hóa bằng những nội dụng cụ thể như: Tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp, tổ chức các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đoàn về các chính sách hỗ trợ của nhà nước, qui định về cách thức kinh doanh, giới thiệu các gương điển hình trong phát triển kinh tế, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, tổ chức các buổi tham quan, học hỏi các mô hình làm kinh tế điển hình... cho đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, thanh niên là lực lượng trẻ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, có nhiều ý tưởng sáng tạo, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh, song khó khăn của mỗi đoàn viên thanh niên khi lập nghiệp không chỉ là thiếu kinh nghiệm mà quan trọng còn là thiếu vốn. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thanh niên trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, ban thường vụ tỉnh đoàn đã phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các cơ sở đoàn hoàn thiện các tổ vay vốn do đoàn viên thanh niên làm chủ, đăng ký cho đoàn viên thanh niên vay vốn, từ đó, phong trào thanh niên làm chủ mô hình kinh tế ngày càng phát triển sôi nổi. Năm 2017, tỉnh Đoàn Hà Giang đã tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho 3.584 đoàn viên thanh niên, toàn tỉnh đã có gần 400 mô hình, câu lạc bộ phát triển kinh tế do đoàn viên thanh niên làm chủ với thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/mô hình/năm, có trên 30 HTX do thanh niên làm chủ...
 
Từ diễn đàn khởi nghiệp của huyện Bắc Quang, đoàn viên Hoắc Công Hưng ở xã Quang Minh, huyện Bắc Quang đã tìm ra được ý tưởng khởi nghiệp mô hình làm cây cảnh và chậu hoa, cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/năm
Từ diễn đàn khởi nghiệp của huyện Bắc Quang, đoàn viên Hoắc Công Hưng ở xã Quang Minh, huyện Bắc Quang đã tìm ra được ý tưởng khởi nghiệp mô hình làm cây cảnh và chậu hoa, cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/năm

Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Bí thư tỉnh Đoàn Hà Giang cho biết: Thời gian tới, tỉnh Đoàn Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình thanh niên Hà Giang khởi nghiệp, tiến tới đa dạng hóa các hình thức truyền thông về khởi nghiệp, hình thành trong mỗi đoàn viên, thanh niên ý thức và cách thức khởi nghiệp sáng tạo trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉnh đoàn sẽ tăng cường kết nối các cơ sở đoàn với các nguồn vốn, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm và khẳng định vị trí tiên phong của tỉnh đoàn Hà Giang trong hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. 
 
Đoàn viên tiêu biểu Đỗ Minh Thông ở xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên làm giàu trên mảnh đất quê hương nhờ trồng cây thanh long. Ảnh: Nam Sương
Đoàn viên tiêu biểu Đỗ Minh Thông ở xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên làm giàu trên mảnh đất quê hương nhờ trồng cây thanh long. Ảnh: Nam Sương 

Trung ương đoàn TNCS HCM đã ban hành  kế hoạch trong đó có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia giai đoạn 2016 - 2021. Trong 5 năm, Trung ương Đoàn sẽ chú trọng tập trung kết nối các nguồn vốn cũng như hỗ trợ về pháp lý hay hỗ trợ về kỹ năng trong khởi nghiệp, tham mưu những cơ chế chính sách cho khởi nghiệp để tạo tiền đề vững chắc hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công.
Cán bộ huyện Đoàn Quang Bình tìm hiểu thuận lợi, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp phát triển kinh tế của các đoàn viên tại địa phương. Ảnh: Nam Sương
Cán bộ huyện Đoàn Quang Bình tìm hiểu thuận lợi, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp phát triển kinh tế của các đoàn viên tại địa phương. Ảnh: Nam Sương 

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Hà Giang thì vẫn còn những khó khăn chung về nguồn vốn, cơ hội tiếp cận vốn, kinh nghiệm làm kinh tế..., vì vậy, họ rất cần sự hỗ trợ từ những chính sách thực sự thiết thực của nhà nước. Với tinh thần "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay", mỗi thanh niên cần suy nghĩ tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo khởi nghiệp và chủ động chuẩn bị hành trang cho quá trình khởi nghiệp. Với tinh thần kiên trì, bền chí cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, thanh niên Hà Giang đang đứng trước nhiều cơ hội để khởi nghiệp và hội nhập, góp phần thay đổi diện mạo mới cho vùng nông thôn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
 
Hoàng Tâm - Nam Sương

Có thể bạn quan tâm