Bạc Liêu vài nét tổng quan

Bạc Liêu vài nét tổng quan
1. Điều kiện tự nhiên 

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.570 km2 bằng 1/16 diện tích của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; với dân số 874.107 người (tính đến năm 2013). Vị trí địa lý

Bạc Liêu là tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với bờ biển dài 56 km. 

Bản đồ hành chính tỉnh Bạc Liêu
Bản đồ hành chính tỉnh Bạc Liêu

Địa hình

Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng với những cánh đồng rộng, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

Khí hậu

Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa nắng và mùa mưa.

2. Dân cư

So với 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích Bạc liêu thuộc loại trung bình, đứng vào hàng thứ 7, nhưng dân số đứng vào hàng thứ 11, gồm các dân tộc chính là Kinh, Khmer và người Hoa chung sống cùng nhau trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong đó người Kinh chiếm 89,9%, Khmer 7,66% và Hoa 2,34%. Dân số thành thị chiếm 26,53%, dân số nông thôn chiếm tỷ lệ 73,47% so với dân số toàn tỉnh.

3. Lịch sử hình thành và phát triển

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự “chung sức, đồng lòng” dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa.

Năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh ở Trung Quốc đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu.  
Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu là Tổng binh trấn Hà Tiên, với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú tại Phương Thành, nhân dân quy tụ ngày càng đông.
Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu). Toàn bộ vùng đất phương Nam thuộc về chúa Nguyễn. Đến năm 1777, Trấn Giang, Trấn Di được bãi bỏ.
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi. Năm 1808, trấn Gia Định đổi là thành Gia Định cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long), Hà Tiên.
Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ thành Gia Định, chia Nam Kỳ thành lục tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, bao gồm đất từ Hà Tiên đến Cà Mau. Phần đất tỉnh An Giang, tính từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và Bạc Liêu tính đến cửa biển Gành Hào.
Ngày 5-1-1867, thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ. Đến ngày 5-6-1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (inspection - có người dịch là khu thanh tra) do các viên thanh tra hành chính (inspecteur) đảm nhiệm.
Năm 1877, Pháp điều chỉnh Nam Kỳ còn 20 khu tham biện. Đến ngày 18-12-1882, Pháp cắt 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý (Dlégation) Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá (Arrondissement de Rach Gia) và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng và thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu). Địa hạt Bạc Liêu là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ, lúc đầu có 2 đại lý: Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu.
Ngày 20-12-1899, toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1-1-1900, sắc lệnh trên được áp dụng cho toàn Nam Kỳ. 
Năm 1904, quận Vĩnh Lợi cắt một phần đất phía bắc nhập thêm vào quận Vĩnh Châu. Diện tích của tỉnh Bạc Liêu lúc này là 740 nghìn ha.
Năm 1918, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi và một phần đất phía bắc quận Cà Mau thành lập quận Giá Rai.
Ngày 25-10-1955, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV phân định lại địa phận hành chính các tỉnh miền Nam, sáp nhập các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu vào Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Toàn bộ vùng đất quận Cà Mau lập thành tỉnh An Xuyên.
Ngày 8-9-1964, Ngụy quyền Sài Gòn ký Sắc lệnh số 254/NV tái lập tỉnh Bạc Liêu gồm các quận: Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và Phước Long (Rạch Giá). Địa  phận này tồn tại cho đến ngày 30-4-1975.
Về phía chính quyền cách mạng: việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khác hẳn chính quyền Sài Gòn. Năm 1947, quận Hồng Dân thuộc tỉnh Rạch Giá giao hai làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú về quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1948, tỉnh Bạc Liêu giao quận Vĩnh Châu và làng Hưng Hội về tỉnh Sóc Trăng, đồng thời thành lập thêm quận mới lấy tên là quận Ngọc Hiển.
Ngày 13-11-1948, cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc Liêu. Cùng thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng giao làng Châu Thới về Bạc Liêu. Làng Châu Thới hợp nhất với làng Long Thạnh thành làng Thạnh Thới.
Năm 1951, thành lập thêm huyện Trần Văn Thời, gồm các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Hưng Mỹ, Khánh An, Khánh Lâm. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận hai huyện An Biên, Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, huyện Vĩnh Châu được đưa về tỉnh Bạc Liêu, huyện An Biên và huyện Hồng Dân đưa về tỉnh Rạch Giá. Huyện Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu được tái lập.
Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây chia các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu.
Năm 1962, huyện Giá Rai sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định tách huyện Vĩnh Châu khỏi huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu, thành lập huyện Vĩnh Châu.
Tháng 11-1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu.
Vào đầu năm 1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau thành tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, đến gần giữa năm 1976 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau đổi tên thành tỉnh Minh Hải.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và giữ nguyên cho đến ngày nay.

4. Tiềm năng văn hóa - du lịch

Bạc Liêu là nơi hội tụ của nhiều dòng văn hoá, đặc biệt là sự giao thoa giữa 3 dòng văn hoá của người Kinh, người Khmer và người Hoa đã tạo nên cho vùng đất này một diện mạo văn hóa riêng. Đó là những nề nếp sinh hoạt ăn, mặc, ở, đi lại, đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên và ngoại xâm…, tất cả đã tạo nên tính cách cũng như những nét độc đáo của con người Bạc Liêu. Trong giao tiếp, người Bạc Liêu rất hiếu khách, trọng nghĩa tình, giàu lòng nhân ái, hào hiệp. Trong sinh hoạt, người Bạc Liêu rất cần cù; phóng khoáng. Người Bạc Liêu rất yêu nghệ thuật, đặc biệt là bản vọng cổ và đờn ca tài tử Nam bộ; Bạc Liêu là nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ, là quê hương của bản Vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu và làn điệu hò chèo ghe Bạc Liêu,… Trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, người dân Bạc Liêu luôn dũng cảm, kiên trung, thể hiện qua những chiến tích oai hùng quật khởi chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp được ghi lại đến ngày nay như cuộc nổi dậy của nông dân ở Ninh Thạnh Lợi, Đồng Nọc Nạng. Cùng những người anh hùng của Bạc Liêu trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc đã được ghi lại thành tên đất, tên đường phố như: Trần Kim Túc, Mười Chức, má Nguyễn Thị Mười, Trần Hồng Dân, Lê Thị Riêng, Phùng Ngọc Liêm, Trần Huỳnh, Nguyễn Công Tộc,… còn vang mãi trong ký ức của người dân Nam Bộ như khúc ca hùng tráng về lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân Bạc Liêu nói riêng và của người dân Nam Bộ nói chung.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển và khai thác các thiết chế văn hóa; không ngừng phát huy thế mạnh về văn hóa, văn nghệ làm yếu tố chủ đạo để phát triển du lịch, ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của Bạc Liêu; xây dựng phong cách người Bạc Liêu trân trọng, hiếu khách, văn minh, lịch thiệp, phát huy tính cách phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, trọng tình của người Bạc Liêu. Nâng cao văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử, văn hóa công sở, văn hóa du lịch, văn hóa đối ngoại cho cán bộ và người dân; tạo dựng và phát huy sự thân thiện, chân tình giữa những người dân với nhau và với khách du lịch, với nhà đầu tư, với bạn bè trong nước và ngoài nước tạo nên “Sức hấp dẫn rất Bạc Liêu” nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch, đưa Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và cả nước; xem đây là cách đi lên từ đặc điểm riêng có của tỉnh “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”.
Về mặt lịch sử, vùng đất Bạc Liêu mới hình thành trên 200 năm. Do điều kiện đất đai và cấu tạo dân cư buổi đầu, Bạc Liêu không giống các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Dân cư không hình thành từ “lũy tre làng”, “cha truyền con nối”. Dân cư Bạc Liêu đa số là dân “xiêu tán”, nghèo khổ “tha phương cầu thực”. Họ định cư rải rác trên các gò đất cao, trên các bờ sông, các kinh xáng. Người Kinh, người Khơ-me, người Hoa đã đan xen nhau, luôn tương trợ, đoàn kết khi hoạn nạn, chân thành cởi mở, thích “làm ăn lớn”. Phong cách ứng xử người dân Bạc Liêu mang tính cách nông dân thôn dã, chất phác, bộc trực, dám phản kháng mạnh mẽ trước bất công xã hội.

Ở Bạc Liêu, có 3 dòng văn hóa đan xen nhau đó là: văn hóa Kinh, văn hóa Khơ-me, văn hóa người Hoa, trong quá trình hội nhập, phát trển.Hàng năm trên vùng đất Bạc Liêu có rất nhiều lễ hội. Người Kinh có lễ hội cúng đình, thờ thần hoàng bổn cảnh có công với nước được triều đình nhà Nguyễn Sắc phong. Ngoài ra còn có đại lễ Kỳ Yên còn gọi là lễ thượng điền giữa tháng 5 âm lịch, lễ thắp miếu còn gọi là lễ hạ điền vào giữa tháng 12 âm lịch.Đồng bào Khơ-me có lễ hội vào năm mới (Chol-Chnam-Thmây) vào giữa tháng 4 dương lịch, lễ hội chào mặt trăng (Oóc-Om-Boóc) vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, lễ hội Đôn-ta nhằm thực hiện việc xá tội vong nhân theo đạo lý nhà Phật.
Đồng bào Hoa có lễ cúng Thanh Minh vào tháng 3 âm lịch, lễ thí giàng vào tháng 7 âm lịch.
Trong giao tiếp, lớp người trung niên giữa Kinh và Khơ-me hay kết thân nhau làm “ní” (người cùng tuổi). Trai, gái Kinh và Hoa thường gọi nhau là “hia”, “chế” thay cho từ anh, chị.Về văn hóa nghệ thuật Bạc Liêu, có bản vọng cổ của bác Sáu Lầu, chuyện vui bác Ba Phi, nói thơ điệu Bạc Liêu của ông Thái Đắc Hàn, vè của ông Bửu Trượng.
Tính cách người dân Bạc Liêu dưới thời Pháp thuộc in đậm tính cách lưu dân người Việt “đủ tinh thần thực tiễn, nhưng thiếu chữ; đủ đạo đức làm dân mà ít thuộc kinh truyện”. Trước đây một số ngươi giàu ở Bạc Liêu có quan niệm “lấy táu đong lúa chứ không ai lấy táu đong chữ”. Điển hình là Ba Huy con ông Hội đồng Trần Trinh Trạch, một thời tiêu xài “xả láng” để đồng bào cả nước mỉa mai sự xa xỉ đó bằng tên gọi “công tử Bạc Liêu”.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất Bạc Liêu trở thành căn cứ kháng chiến của Nam bộ. Trường học mọc lên đều khắp. Bộ mặt văn hóa khác hẳn xưa. Tuy vậy Bạc Liêu vẫn chưa có những công trình, những tác phẩm nghệ thuật tương xứng với bề dầy lịch sử của nó. 

Các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh

- Di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Địa chỉ: Ấp Bà Chằng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử văn hóa Đồng Nọc Nạng (Địa chỉ: Ấp 4, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tỉnh Bạc Liêu (Địa chỉ: Ấp Rạch Rắn, xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)
- Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Địa chỉ:  Đường Cao Lầu, phường 2, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (Địa chỉ: Ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật Tháp cổ Vĩnh Hưng (Địa chỉ: Ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật Thành Hoàng Cổ Miếu (Địa chỉ: Khóm 3, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật Đình An Trạch (Địa chỉ: Khóm 2, phường 5, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật Phước Đức Cổ Miếu (Địa chỉ: Số 74, Điện Biên Phủ, Phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật Tiên sư Cổ Miếu (Địa chỉ: Khóm 2, phường 7, thành phố Bạc Liêu)
- Đình Bình An (Địa chỉ: Ấp Láng Dài, TT Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)
- Thiên Hậu Cung (Địa chỉ: Phường 2, thành phố Bạc Liêu)
- Miếu địa Mẫu Cung (Địa chỉ: Phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Miếu Quan Đế (Địa chỉ: Phường 2, thành phố Bạc Liêu)
- Chùa An Thạnh Linh (Địa chỉ: Ấp Chùa Phật, TT.Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Chùa Long Phước (Địa chỉ: Khóm 6, phường 5 , thành phố Bạc Liêu)
- Chùa Tịnh Độ (Địa chỉ: Đường Võ Thị Sáu, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Chùa Vĩnh Phước An (Địa chỉ: Khóm 4, phường 2, thành phố Bạc Liêu)
- Tịnh xá Ngọc Liên (Địa chỉ: Đường Ninh Bình, phường 2, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử sự kiện Ninh Thạnh Lợi (Địa chỉ: Ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Chùa Cỏ Thum (Địa chỉ: Ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu)
- Chùa Khmer Hưng Hội – Chùa Đầu (Địa chỉ: Ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Chùa Khmer Hưng Hội – Chùa Chót (Địa chỉ: Ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật Chùa Giác Hoa (Địa chỉ: Ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Chùa Xiêm Cán (Địa chỉ: Ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Chùa Vĩnh Đức (Địa chỉ: Đường Cách Mạng, phường 1, thành phố Bạc Liêu)
- Chùa Vĩnh Hòa (Địa chỉ: Đường Cách Mạng, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Chùa Châu Viên (Địa chỉ: Xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, thành phố Bạc Liêu)
- Phủ thờ dòng họ Cao Triều (Địa chỉ: phường 5, thành phố bạc liêu)
- Nhà cổ Khưu Hải Chiêu (Địa chỉ: Số 07/128, ấp Biển Tây, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Đồng Hồ Thái Dương (Địa chỉ: Đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Chùa Hưng Thiện (Địa chỉ: Ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Lăng cá Ông Gành Hào (Địa chỉ: Khu vực II, TT.Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)
- Lăng cá Ông Vĩnh Thịnh (Địa chỉ: Xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu)
- Khu Cá Ông Nhà Mát (Địa chỉ: Phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu)
- Dinh Tỉnh trưởng Điệp (Địa chỉ: Đường Trần Phú, phường 3, thành phố bạc liêu)
- Di tích kiến trúc Nghệ thuật  nhà cổ Tòa Tham Biện (Dinh Tỉnh trưởng thời Pháp) (Địa chỉ: Đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Di tích lịch sử Đình Tân Long (Địa chỉ: Ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)
- Khu nhà Công tử Bạc Liêu (Địa chỉ: Đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Khu du lịch Nhà Mát (Địa chỉ: Phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu)
- Quán âm Phật Đài (Địa chỉ: Phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu)
- Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (Địa chỉ: Số 02 Trần Quang Diệu, phường 1, thành phố Bạc Liêu)
- Sân chim Bạc Liêu (Địa chỉ: Ấp Kinh Tế, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu)
- Vườn nhãn Bạc Liêu (Địa chỉ: Xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu)
- Cây xoài 300 năm tuổi (Địa chỉ: Xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu)
- Biển và rừng ngập mặn (Địa chỉ: Tuyến đê biển Nhà Mát – Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu)
- Nhà thờ Tắc Sậy (Địa chỉ: Quốc lộ 1, Ấp 2, xã Tân Phong, huyện Giá Rai tỉnh, Bạc Liêu)
- Khu điện gió (Địa chỉ: Ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu)
- Tượng đài sự kiện Mậu Thân (Địa chỉ: Quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu)
- Tượng đài liệt sỹ (Địa chỉ: Đường Trần Huỳnh, Phường 1, thành phố Bạc Liêu)
- Quảng trường Hùng Vương (Địa chỉ: Khu trung tâm hành chính tỉnh, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1,thành phố Bạc Liêu)
- Bảo tàng tổng hợp (Địa chỉ: Số 84 Hai Bà Trưng, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Địa chỉ: Quảng trường Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu)
- Bia Khám Lớn (Địa chỉ: Đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
- Nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của Bạc Liêu (Địa chỉ: Khu trung tâm thương mại Bạc Liêu, đường Trần Phú, phường 3, thành phố Bạc Liêu)
Theo baclieu.gov.vn

Có thể bạn quan tâm