Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc bền vững khu vực Nam Trung Bộ

Tìm giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc bền vững khu vực Nam Trung Bộ
Đàn cừu được người chăn nuôi ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) di chuyển xuống khu vực ao, hồ để tìm thức ăn và nước uống. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Đàn cừu được người chăn nuôi ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) di chuyển xuống khu vực ao, hồ để tìm thức ăn và nước uống. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, khoa học, nông dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ những thông tin, kiến thức và kinh nghiệm của “4 nhà” để giúp nông dân trong vùng phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả, đặc biệt là đối với các loại vật nuôi chủ lực của vùng trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường. Theo ông Dương Trí Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chăn nuôi miền Trung, để phát triển chăn nuôi gia súc bền vững thì các tỉnh cần tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều đại biểu đã thống nhất về một số giải pháp quy hoạch vùng chăn nuôi, chính sách cũng như kỹ thuật chăn nuôi. Ông Trần Ngọc Thương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần có những giải pháp lâu dài, đồng bộ và tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà chăn nuôi; phát triển phương thức chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Cơ quan chức năng cần giám sát phương thức chăn nuôi của người dân, kiểm tra tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăn nuôi quy mô lớn, nâng cao năng suất, tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tạo sản phẩm đồng đều và có sức cạnh tranh cao là hướng đi đúng để phát triển ngành chăn nuôi và tăng tính cạnh tranh với thị trường đang hội nhập. Bên cạnh đó cần khuyến khích người chăn nuôi sử dụng các giống mới năng suất cao, thường xuyên cập nhật các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới, tăng cường dùng thức ăn chăn nuôi bằng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường và người tiêu dùng. Một số mô hình, giải pháp hiệu quả được dẫn chứng như: Tại Quảng Nam, tỉnh đã xây dựng được một số chuỗi cung ứng các sản phẩm an toàn của ngành chăn nuôi như chuỗi cung ứng thịt heo an toàn, chuỗi cung ứng thịt gà an toàn, chuỗi cung ứng trứng gà an toàn nhằm đáp ứng một phần thực phẩm nông sản an toàn "từ sản xuất đến bàn ăn" và quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi một cách bền vững và kiểm soát được an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cho các bên tham gia và lợi ích toàn xã hội, đồng thời phối hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn thực phẩm giữa hai địa phương. Còn tại tỉnh Bình Định thực hiện tốt mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao kết hợp trồng cỏ và dữ trữ thức ăn cho bò; mô hình trồng thâm canh một số giống cỏ năng suất, chất lượng cao hay là mô hình Quản lý dịch bệnh gia súc quy mô trang trại ở Hoài Ân… Tại diễn đàn, bà Hà Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định về một số khó khăn mà ngành chăn nuôi gia súc gặp phải trong quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, nhất là khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam nói chung và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng chịu tác động trực tiếp của hiện tượng biến đổi khí hậu. Hạn hán kéo dài đã làm cho hàng trăm ngàn con gia súc (dê, cừu, bò) tại các tỉnh Nam Trung Bộ rơi vào tình trạng thiếu thức ăn và nước uống, một số khu vực đã xảy ra hiện tượng gia súc bị chết do mất sức đề kháng. Dự báo  mùa khô năm nay tình trạng hạn hán, thiếu nước vẫn có khả năng xuất hiện cục bộ ở một số khu vực thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo số liệu thống kê, các tỉnh Nam Trung bộ có tổng đàn 1,269 triệu con bò, gần 174 nghìn con trâu, gần 2,2 triệu con lợn và 192 nghìn con dê (tăng 52,9% so với năm 2011), 163,9 nghìn con cừu (tăng 89,9% so với năm 2011). Các sản phẩm chăn nuôi gia súc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm tương ứng của ngành chăn nuôi cả nước. Riêng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2017 đạt 86,1 nghìn tấn, chiếm 26,8% sản lượng thịt bò của cả nước. Tỉnh có sản lượng thịt bò nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Sản lượng thịt cừu hơi xuất chuồng đạt 1,6 nghìn tấn, chiếm 85,8% sản lượng thịt cừu của cả nước; trong đó, sản lượng thịt cừu của Ninh Thuận chiếm 97,3% tổng sản lượng thịt cừu toàn vùng.
Sỹ Thắng

Có thể bạn quan tâm