Tiêu hủy lợn dịch không đúng quy trình, nguy cơ lây lan mầm bệnh

Tiêu hủy lợn dịch không đúng quy trình, nguy cơ lây lan mầm bệnh
Lợn chết không được tiêu hủy đang phân hủy tại bãi rác thôn Hà Khê xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
 Lợn chết không được tiêu hủy đang phân hủy tại bãi rác thôn Hà Khê xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Xã Đông Kinh là một trong những địa phương chăn nuôi lợn có quy mô lớn của huyện Đông Hưng với 80% hộ dân chăn nuôi, tổng đàn khoảng 6.700 con. Từ đầu tháng 3/2019, trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, tính đến ngày 9/4, trên địa bàn xã đã tiêu hủy 2.940 con lợn với tổng trọng lượng trên 181 tấn. Hai địa điểm thực hiện tiêu hủy lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Đông Kinh là khu vực bãi rác thải Kinh Nậu và Hà Khê. Ông Trần Thanh Tùng, cán bộ địa chính xã Đông Kinh cho biết, sau khi xuất hiện dịch, xã đã thực hiện tiêu hủy lợn ốm, chết. Cụ thể là đào hố bằng máy xúc, rắc vôi bột xuống và cho lợn ốm, chết xuống rồi rải thêm một lớp vôi bột, lấp đất, phun hóa chất, rắc vôi trên bề mặt đất. Xã Đông Kinh đã thực hiện nghiêm túc quy trình, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y. Tuy nhiên, người dân địa phương phản ánh, thời gian gần đây họ phải tự vận chuyển lợn ốm, chết ra khu vực bãi tiêu hủy thay vì được các cơ quan chức năng đến vận chuyển như trước đây. Ghi nhận của phóng viên sáng ngày 9/4, tại bãi rác Hà Khê - một trong hai địa điểm tiêu hủy lợn của xã Đông Kinh, xác lợn chết nằm la liệt từ lợn nái, lợn thịt đến lợn con.
Lợn chết được vứt ngay bên vệ đường tại thôn Hà Khê xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Lợn chết được vứt ngay bên vệ đường tại thôn Hà Khê xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Bên cạnh bãi đất được rắc vôi bột do quá trình tiêu hủy lợn trước đó còn có những con lợn mới chết vẫn nguyên trong bao tải vứt giữa bãi rác. Cá biệt, nhiều hố nước đã đen ngòm, có tới hơn 10 xác lợn nổi trương phềnh. Lợn chết và không được tiêu hủy kịp thời, có những con trọng lượng khoảng 60 kg đang trong giai đoạn phân hủy mạnh, bốc mùi nồng nặc. Đáng chú ý, bãi tiêu hủy lợn bệnh, lợn mắc dịch tả châu Phi nhưng khu vực này không có bất kỳ một tấm biển cảnh báo nào với người dân. Đặc biệt, xác lợn chết còn bị vứt cả trên đường vào thôn Lãm Khê, cách bãi tiêu hủy này chưa đầy 100 mét. Trước phản ánh của phóng viên, thay vì khẳng định đảm bảo quy trình tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trước đó, chính quyền địa phương đã thừa nhận quy trình này chưa đúng. Theo lý giải của xã Đông Kinh, hiện số lợn ốm chết rải rác và địa phương khó khăn về điều kiện thuê máy móc, nhân lực dẫn đến tiêu hủy thực hiện bằng cách dồn số lợn ốm, chết tại bãi rồi mới thực hiện tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận việc người dân tự vận chuyển lợn ốm, chết ra bãi tiêu hủy bởi hiện nay xã khó khăn huy động lực lượng vận chuyển lợn mắc bệnh ra khu vực tiêu hủy, nhất là trong điều kiện lợn ốm, chết rải rác như hiện nay. Ông Trần Thanh Tùng, cán bộ địa chính xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng giải thích, hiện nay, phải múc hố đất từ hôm trước, để một ngày đến chiều hôm sau mới chôn lấp. Cái đó là không đúng vì lẽ ra tiêu hủy đến đâu chôn lấp đến đấy. Nhưng trong điều kiện máy móc phải thuê, phụ thuộc giờ giấc và không đủ người nên các hộ phải tự thuê người vận chuyển chứ xã không làm nữa. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 221 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại 18.205 hộ chăn nuôi. Cơ quan chức năng thực hiện tiêu hủy 110.102 con lợn, tổng trọng lượng trên 5.684 tấn. Như vậy từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 12/2, trong 2 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi đã hoành hành, lây lan trên diện rộng; trong đó, huyện Đông Hưng là địa phương duy nhất của tỉnh Thái Bình đến thời điểm này có 44/44 xã, thị trấn có dịch. Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh không có thuốc đặc trị, do đó, việc tiêu hủy phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, triệt để nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Trong khi toàn hệ thống chính quyền tại Thái Bình đang nỗ lực phòng chống dịch thì tại xã Đông Kinh, việc tiêu hủy lợn lại thực hiện chưa đúng quy định, ảnh hưởng lớn tới vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh, khó kiểm soát dịch bệnh.
Thu Hoài

Có thể bạn quan tâm