Tiền Giang liên kết sản xuất lúa có lợi cho nông dân

Tiền Giang liên kết sản xuất lúa có lợi cho nông dân
Thu hoạch vụ Đông Xuân bằng cơ giới tại vùng ngập lũ huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Thu hoạch vụ Đông Xuân bằng cơ giới tại vùng ngập lũ huyện Cai Lậy.
Ảnh: Minh Trí – TTXVN
Đáng mừng là trong những ngày qua, giá lúa đang tăng. Theo ghi nhận của địa phương, sau khi Bộ Tài chính triển khai thu mua dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa gạo có tăng, bình quân khoảng 100 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch. Cụ thể, các giống lúa đang trồng phổ biến tại Tiền Giang như: lúa IR 50404 giá bán tại ruộng từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, lúa giống Nàng Hoa 9 giá từ 5.200 đồng đến 5.300 đồng/kg, lúa giống VD 20 giá từ 6.000 - 6.200 đồng/kg và lúa giống OM 4900 từ 4.800 - 5.000 đồng/kg. Là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang  đã có công văn số 876/UBND-KTTC ngày 15/3/2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các cơ quan hữu quan bảo đảm cân đối, ưu tiên tập trung bố trí đủ vốn cho vay trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn vốn kịp thời thu mua tạm trữ, chế biến và xuất khẩu lúa gạo vụ Đông Xuân 2018 – 2019. Trong vụ Đông Xuân vừa qua, các hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa để giải quyết đầu ra với các doanh nghiệp trên diện tích 3.157 ha. Các huyện, thị duyên hải Gò Công quy mô lớn nhất với 2.335 hộ nông dân tham gia 17 cánh đồng lớn trên diện tích canh tác lên đến 2.160 ha. Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy cho biết, trong vụ Đông Xuân, hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty ADC trên diện tích khoảng 100 ha Global GAP. Công ty ADC thu mua cao hơn thị trường 400 đồng/kg, xã viên rất phấn khởi. Đây là mô hình làm ăn mới đang được khuyến khích nhằm phát triển sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đến ngày 3/4, các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đã thực hiện thu mua được 1.711 ha, diện tích còn lại tiếp tục thống nhất vể giá để thu mua rốt ráo cho nông dân. Ngoài ra, để bảo đảm sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi trong tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp và hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa, ngay từ đầu vụ tỉnh đã triển khai những biện pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp như: xây dựng lịch thời vụ xuống giống tập trung cho từng tiểu vùng nhằm thu hoạch an toàn “né” được thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt, khuyến khích nông dân chuyển đổi về giống, đầu tư cơ giới hóa các khâu sản xuất, triển khai kế hoạch làm thủy lợi nội đồng khai thông dòng chảy, chủ động nguồn nước tưới tiêu chống hạn, ứng cứu lúa khi khẩn cấp không để thiên tai gây hại. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai dự án sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại hai địa bàn trọng điểm là vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông và vùng ngập lũ phía Tây tỉnh để đúc kết, nhân rộng trong thời gian tới.
Minh Trí

Có thể bạn quan tâm