Thương hiệu gạo giúp tăng sức cạnh tranh

Thương hiệu gạo giúp tăng sức cạnh tranh
Việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam đang gặp nhiều thách thức cả khách quan và chủ quan. Theo các chuyên gia, quá trình sản xuất xuất khẩu gạo phải được liên kết theo chuỗi và bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu cho chính mình. 
Xuất khẩu nhiều, thương hiệu ít
Xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn đứng ở vị trí hàng đầu thế giới với khối lượng trung bình  6,5 - 7 triệu tấn gạo/năm, có năm tới 8 triệu tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam lại thấp hơn so với một số loại cùng phẩm cấp của các nước khác trong khu vực. Lý do là gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, vị thế trên thị trường quốc tế. Tại thị trường trong nước, gạo Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh rất mạnh với gạo từ các nước như Thái Lan, Campuchia…
Thương hiệu gạo giúp tăng sức cạnh tranh ảnh 1
Bốc xếp gạo xuất khẩu.

Theo chuyên gia lúa gạo GS Võ Tòng Xuân, gạo xuất khẩu Việt Nam phần lớn không có thương hiệu. Có một số loại gạo có thương hiệu bán được giá khá cao, khoảng 2 - 3 USD/kg, nhưng số lượng không nhiều. Còn lại, đại trà gạo Việt Nam không truy xuất được nguồn gốc. Tất cả các công ty và thương lái quốc tế mua gạo Việt Nam không thương hiệu thì đều trừ vào giá mua một khoản tiền, gọi là chi phí rủi ro về nguồn gốc xuất xứ.
GS Võ Tòng Xuân cho biết tại ngân hàng giống lúa thuộc Trường ĐH Cần Thơ hiện đang lưu giữ tới 1.468 giống lúa vùng Tây Nam Bộ, vốn nổi tiếng thơm ngon như: Nàng Thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Châu Hạng Võ..., chưa kể một số giống lúa cao sản cũng thơm ngon không kém như: Jasmine 85, ST, Nàng Hoa 9.
“Việt Nam có rất nhiều giống lúa tốt, cho gạo thơm ngon nhưng vẫn không xây dựng được thương hiệu lúa gạo là do nông dân chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao mà ít quan tâm đến chất lượng thơm ngon, trong khi nông dân các nước trong khu vực chỉ thích trồng giống lúa thơm ngon”, GS Võ Tòng Xuân lưu ý.
GS Võ Tòng Xuân đề xuất, muốn không thiệt về giá nữa, người nông dân cần sản xuất gạo đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế. Tức là gạo làm ra, bán trên thị trường phải có thương hiệu; truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, cùng một giống lúa. Các doanh nghiệp, công ty thu mua lúa, xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu. Ở vùng đó, khi trồng lúa phải theo quy trình, tiêu chuẩn cụ thể và phải được giám sát. Khi đó xuất khẩu chắc chắn sẽ được giá.
Phải liên kết để sản xuất 
Việt Nam có tổng diện tích sản xuất lúa gần 4 triệu ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 25 triệu tấn gạo; trong đó, lượng gạo phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đạt hơn 7 triệu tấn, số còn lại phục vụ cho nhu cầu an ninh lương thực quốc gia và tiêu thụ trong nước.  Điều này cho thấy thị trường nội địa vẫn là chủ đạo trong tiêu thụ lúa gạo. 
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang),  việc xây dựng thương hiệu lúa gạo phải được chú trọng ngay ở thị trường nội địa. Để có thương hiệu vững mạnh, doanh nghiệp phải thể hiện vai trò kết nối giữa người tiêu dùng với nông dân để họ truy xuất nguồn gốc sản phẩm chất lượng dễ dàng.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển gạo Việt Nam (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) cũng cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo một cách bền vững cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị: từ khâu giống, gieo trồng cho tới hệ thống phân phối, từ đó mới tạo ra sản phẩm khác biệt phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. 
Thực tiễn cho thấy, việc liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn được coi là giải pháp quan trọng để xây dựng thương hiệu lúa gạo. Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đang từng bước triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn tại nhiều tỉnh trên cả nước như: Nam Định, Thái Bình, Điện Biên, Đồng tháp, An Giang, Long An...  Cách thức hợp tác với nông dân của tổng công ty là hợp tác thông qua cơ quan quản lý địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện giới thiệu các xã hoặc hợp tác xã có năng lực chỉ đạo, điều hành. Họ có khả năng tổ chức thực hiện mô hình đảm bảo thành công, tổ chức thực hiện các dịch vụ cho nông dân theo hướng sản xuất đồng loạt và cơ giới hóa căn cứ vào hợp đồng liên kết với tổng công ty. Đồng thời chính quyền địa phương làm trọng tài điều phối các hoạt động, giám sát việc ký kết, thực hiện hợp đồng giữa các bên.
Theo ông Lê Thanh Khiêm, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, để thương hiệu lúa gạo của một quốc gia vững mạnh, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu của chính mình, hoàn thiện từng bước trong quá trình tạo thương hiệu; trong đó nền tảng chính là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân. Khi doanh nghiệp chế biến gạo có được nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao thì thương hiệu mới được tin dùng, lựa chọn và đứng vững. 
Theo Cục Chế biến nông lâm, thủy sản và nghề muối, hiện ở ĐBSCL có khoảng 10 - 12 doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu gạo riêng, điển hình là thương hiệu Hạt Ngọc Trời của Tập đoàn Lộc Trời. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thương hiệu riêng theo tiêu chuẩn của các doanh nghiệp. Khi Bộ NN&PTNT xây dựng xong các quy chuẩn về thương hiệu gạo quốc gia, doanh nghiệp nào làm theo đúng quy chuẩn này sẽ được cấp giấy chứng nhận, in lôgô thương hiệu quốc gia. Dự kiến năm 2017 - 2018 sẽ hoàn thành các tiêu chuẩn này.

Có thể bạn quan tâm