Thúc đẩy xuất khẩu dệt may vào thị trường Australia sau CPTPP

Thúc đẩy xuất khẩu dệt may vào thị trường Australia sau CPTPP
Theo ông Vũ Đức Giang, Australia là một trong 3 thị trường nhập khẩu dệt may lớn nhất trong khối các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tiềm năng phát triển xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào khối CPTPP nói chung và thị trường Australia nói riêng là rất lớn.
Công nhân thực hiện công đoạn may áo sơ mi tại nhà máy của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Công nhân thực hiện công đoạn may áo sơ mi tại nhà máy của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường nhập khẩu khó tính, đòi hỏi thời gian giao hàng phải chính xác, giá cạnh tranh, có sự minh bạch, đảm bảo yếu tố môi trường… trong sản xuất sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển phù hợp để tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định CPTPP mang lại cũng như một số FTA khác mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị có hiệu lực. Mặt khác, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng đến các ngành sản xuất; trong đó, có dệt may, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm, đầu tư vào công nghệ để “vượt qua” những yêu cầu khắt khe của khách hàng về chất lượng sản phẩm và xu hướng phát triển mới. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas cho biết thêm, để tận dụng ưu đãi về thuế trong FTA này, các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và làm chủ chuỗi cung ứng trong khu vực. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu, không có kỹ thuật và hệ thống quản lý tốt và sản xuất theo hình thức gia công thì ngành dệt may sẽ gặp nhiều bất lợi. Khi đó, chủ yếu chỉ có doanh nghiệp FDI được hưởng lợi từ FTA mang lại. Trong thời gian tới, Vitas sẽ tổ chức nhiều hội thảo sâu rộng hơn về những điều khoản trong Hiệp định CPTPP để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận; đồng thời, Vitas cũng đang chuẩn bị xây dựng kết nối giữa các nhà sản xuất sợi, dệt, nhuộm trong nước với các doanh nghiệp sản xuất may, các đối tác mua. Đề cập đến những ngách thị trường mà doanh nghiệp dệt may Việt cần lưu ý, đại diện Tập đoàn IEC (Australia) cho rằng, mặc dù dân số ở Australia chỉ bằng 1/4 so với Việt Nam, tuy nhiên người dân nước này sẵn sàng chi tiêu với số tiền lớn hơn rất nhiều lần. Do vậy, các doanh nghiệp cần đưa ra những mẫu mã, chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng cao để người tiêu dùng lựa chọn. Đơn cử như mặt hàng quần áo thể thao hiện đang có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất tại quốc gia này, do xu hướng thể thao cũng như người tiêu dùng có xu hướng mặc quần áo giản dị, thoải mái. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 5 doanh nghiệp dệt may tham gia với thị phần chiếm khoảng 16% thị trường may mặc và da giày của Australia. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể “nhảy vào” phân khúc thị trường này trong thời gian tới. Cũng theo đại diện Tập đoàn IEC, các doanh nghiệp dệt may có thể tiếp cận với thị trường Australia thông qua các cuộc triển lãm thương mại, giao thương quốc tế. Trong thời tới, IEC sẽ tổ chức diễn đàn triển lãm thương mại chuyên dụng duy nhất của nước này dành cho nguồn cung ứng quốc tế trong lĩnh vực may mặc, phụ kiện dệt may và da giày với sự tham gia của nhiều đối tác nổi tiếng trong ngành trên thế giới. Dự kiến, sự kiện này sẽ diễn ra từ 20-22/11/2018 tại Melbourne, Australia./.
 H.Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm