Năm học 2019-2020

Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực đưa học sinh vùng cao đến trường

Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực đưa học sinh vùng cao đến trường
Giáo viên đến từng gia đình động viên học sinh đến trường trong năm học mới. Ảnh: Mai Trang – TTXVN
Giáo viên đến từng gia đình động viên học sinh đến trường trong năm học mới. Ảnh: Mai Trang – TTXVN

Trong căn nhà xây tạm trên mảnh đất khô cằn, em Nguyễn Xuân Hoàng (15 tuổi, dân tộc Tà Ôi, trú tại thôn Giêng Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới) ngồi nơi góc nhà với vẻ mặt chưa hết mệt mỏi. Hoàng vừa trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh sau khoảng thời gian bỏ học theo bạn làm công việc bốc vác. Giáo viên chủ nhiệm của Hoàng - thầy Văn Bửu ( Trường Trung học Cơ sở Trần Hưng Đạo, xã A Ngo) cho biết, bố mẹ Hoàng làm ăn xa quanh năm, không thể giám sát được việc học của con lại thêm Hoàng có học lực yếu, thường xuyên chơi bời theo bạn bè, qua học kỳ I lớp 8, Hoàng bỏ học. Sau thời gian dài giữ liên lạc, thầy đã thuyết phục được Hoàng trở về và cùng gia đình vận động em đi học trở lại.

Cách đây vài hôm, thầy Bửu đã đưa Hoàng đến trường nhập học trở lại. Việc trở lại trường lớp của Hoàng không chỉ làm bố mẹ, gia đình và bà con làng xóm vui mừng mà còn làm an lòng những thầy cô giáo ở trường. “Quan điểm của trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới là căn bản giúp Hoàng giữ kiến thức. Nếu Hoàng không hứng thú với việc học hay có ý định đi làm phụ giúp gia đình, các cấp sẽ hướng nghiệp cho Hoàng học nghề sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở” - thầy Bửu cho hay. Quan điểm này được Hoàng và gia đình đồng tình.

Hoàn cảnh hơn Hoàng là em Nguyễn Thị Giang (13 tuổi, dân tộc Tà Ôi, trú thôn Ta Roi, xã A Ngo, huyện A Lưới). Việc Giang đến trường học tập liên tục suốt 6 năm học là một kỳ tích đối với chính Giang, mẹ Giang và đội ngũ giáo viên các cấp học tại xã A Ngo. Sáu năm học đã qua là 6 năm mọi người “chiến đấu” không mệt mỏi với căn bệnh tự kỷ của Giang. Giang sợ học đến mức cứ có thầy cô giáo đến nhà đưa đón, em lại chạy trốn nơi bụi chuối, chuồng lợn; khóc lóc, trốn dưới gầm bàn mỗi tiết học hay nằm ăn vạ mỗi khi được giáo viên đưa về lớp lúc em có ý định trốn học. Mẹ Giang, chị Hồ Thị Hen xúc động cho biết, mỗi ngày, chị phải cõng con đến lớp, tuy nhiên không phải lúc nào con cũng chịu hợp tác. Những lúc muốn buông xuôi với việc học của con, chị lại được nhà trường và thầy cô giúp đỡ. Nhờ vậy, Giang mới có thể học đến lớp 7 và tự tin hơn khi gặp bạn bè.

Lãnh đạo phòng Giáo dục và đào tạo huyện A Lưới cùng giáo viên đến từng hộ gia đình, vận động học sinh đến trường. Ảnh: Mai Trang – TTXVN
Lãnh đạo phòng Giáo dục và đào tạo huyện A Lưới cùng giáo viên đến từng hộ gia đình, vận động học sinh đến trường. Ảnh: Mai Trang – TTXVN
Cô Hoàng Thị Đảng, Hiệu phó Trường Tiểu học Hồng Bắc (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) là một giáo viên kỳ cựu, dày dặn kinh nghiệm của huyện A Lưới trong công tác vận động học sinh đến trường. Cô Đảng chia sẻ, dù đưa được các em đến trường nhưng tình trạng học sinh trốn học trong ngày và nghỉ học vài hôm rồi đến trường vẫn còn xảy ra. Trước giờ học, cô phải điểm danh để nắm sĩ số của lớp. Phát hiện em nào vắng, cô chủ động đến nhà đón các em đến trường. Cũng nhờ những lần đến nhà học sinh, cô Đảng trở nên gần gũi, thấu hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình và biết được lý do bỏ học của từng học sinh. Với những em cá biệt, cô Đảng phải khéo léo dự trữ sẵn bút, vở, bánh kẹo làm quà khích lệ "dụ dỗ" các em đến trường mỗi ngày.

Huyện A Lưới hiện có 51 cơ sở giáo dục, đào tạo khoảng 12.000 học sinh các cấp. Trong đó, gần 80% học sinh của huyện là người dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều… và người Lào đến định canh, định cư. Số này là đối tượng học sinh chủ yếu bỏ học của huyện. Các em bỏ học là do khoảng cách  từ nhà đến trường xa. Cùng với đó, nhận thức tầm quan trọng việc học của cả học sinh và phụ huynh chưa cao, nhiều em theo lời dụ dỗ của bạn bè đi làm sớm… Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng này giảm đi đáng kể và gần như không còn.

Theo thầy Trần Viết Văn, từ khi phổ cập giáo dục Mầm non được triển khai, số trẻ em trên địa bàn huyện A Lưới được đi học nâng cao rõ rệt. Tâm lý học tập của các em được cải thiện. phụ huynh đã có sự chuyển biến trong nhận thức đưa con đến trường.

Để đảm bảo con em trong huyện được tựu trường kịp thời, ngay từ giữa hè, đội ngũ giáo viên các trường đã đi tuyên truyền đến từng thôn, bản; lập các tổ vận động phối hợp cùng chính quyền, trưởng thôn, trưởng bản làm công tác tư tưởng và cảm tình hóa từng gia đình, học sinh có dấu hiệu muốn thôi, bỏ học. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chú trọng việc bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho các giáo viên, đặc biệt là hệ mầm non. Bởi yếu tố ngôn ngữ không chỉ tạo thuận lợi trong việc vận động phụ huynh, học sinh mà còn giúp thầy cô giáo hiểu thấu những tâm tư, nguyện vọng của các em khi có sự cố trong học tập.

Tương lai xóa mù chữ nơi huyện núi cao A Lưới đang dần hoàn thành. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ học sinh nghỉ học của huyện giảm khoảng 1%. Riêng năm học 2018-2019, A Lưới chỉ còn khoảng 0,6% học sinh nghỉ học. Những năm học tới, những xe đạp, cây bút, sách vở mới… từ nguồn quyên góp của xã hội và những “cuốc” xe thầy cô đưa đón các em đến trường sẽ là động lực để các em vững bước đến trường, thêm yêu trường lớp và phấn đấu học tập.
Mai Trang

Có thể bạn quan tâm