Thừa Thiên - Huế khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu tránh ngập úng do mưa bão

Thừa Thiên - Huế khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu tránh ngập úng do mưa bão
Cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Công Tường - TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Công Tường - TTXVN
Để tránh thiệt hại do diễn biến phức tạp của thời tiết, nông dân ở Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương thu hoạch lúa tránh mưa lũ gây ngập úng. Hiện, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 70% diện tích. Tỉnh phấn đấu thu hoạch đạt 90% diện tích lúa Hè Thu trước ngày 10/9 tránh thiệt hại do thiên tai gây ra. Vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gieo cấy hơn 25.000 ha. Với các biện pháp chống hạn tốt ngay từ đầu vụ, cùng với việc chủ động  phòng trừ dịch bệnh, nên năng suất lúa vụ này ước tính đạt 60 tạ/ha, cao hơn so với vụ hè thu năm ngoái. Tỉnh thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, nâng cao năng suất cây trồng. Đáng chú ý có các mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất bị nhiễm chua phèn" sử dụng có hiệu quả giống lúa Khang Dân trên diện tích 30 ha, năng suất tăng lên khoảng 3-4 tạ/sào so với vụ Hè thu năm trước, điều góp phần thay đổi nhận thức cho người nông dân về đầu tư thâm canh, nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác lúa trên đất nhiễm chua phèn. Tỉnh mở rộng mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống gieo, phân bón, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trên diện tích 349 ha lúa Hè Thu. Hiệu quả các địa phương áp dụng mô hình này đã giảm được chi phí về giống, phân đạm, thuốc trừ sâu và tăng năng suất lúa góp phần làm ra nông sản sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hiệu quả đạt được từ mô hình là khá cao, thu nhập của người dân tăng lên, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất lúa Hè Thu. Các địa phương trong tỉnh áp dụng mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế tác hại đến môi trường trên diện tích 110 ha lúa Hè Thu. Hiệu quả mô hình giúp rơm, rạ phân hủy nhanh hơn, tỷ lệ lúa chết lúc mới gieo (do ngộ độc hữu cơ, rơm rạ chưa phân hủy…) ít hơn, hạn chế tình trạng lúa bị gieo sạ lại; giảm được công dặm tỉa; rút ngắn thời gian sinh trưởng 2-3 ngày và cho năng suất cao đối chứng hơn 2-3 tạ/ ha. Ngành nông nghiệp tổ chức khảo nghiệm 16 giống lúa mới; trong đó đã xác định tiếp tục bố trí các giống lúa gồm: nhóm năng suất (3 giống) HG33, HG102, HG126; nhóm chất lượng (5 giống) HG59, HG80, HG93, HG131, KTDT12 cho vụ sản xuất tới...
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm