Thông xe hầm Cù Mông tạo điều kiện phát triển liên kết vùng

Thông xe hầm Cù Mông tạo điều kiện phát triển liên kết vùng
Nghi thức cắt băng thông xe hầm đường bộ Cù Mông. Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Nghi thức cắt băng thông xe hầm đường bộ Cù Mông. Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Đây là tuyến hầm cuối cùng trong dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2), do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Hầm Cù Mông được thông xe trước trước 2,5 tháng so với mốc 31/3/2019 do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Đây là 1 trong 4 công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Sau khi đưa vào sử dụng, các phương tiện giao thông chỉ mất 6 phút di chuyển cho đoạn đường bao gồm 2,6km hầm và 4,02km đường dẫn.
Cửa hầm phía Bắc hầm đường bộ Cù Mông. Ảnh: Thế Lập - TTXVN
 Cửa hầm phía Bắc hầm đường bộ Cù Mông. Ảnh: Thế Lập - TTXVN
Những lợi ích này không chỉ dành cho người dân Bình Định – Phú Yên mà còn cho cả mạng lưới giao thông Quốc lộ 1 do việc tăng lưu lượng vận hành xe, vận tải hành khách, tăng mức độ lưu thông hàng hóa. Tuyến đường sẽ an toàn, thuận tiện hơn trong mọi điều kiện thời tiết và là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước. Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, việc thông xe hầm Cù Mông sẽ có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thương. Đây mở ra cơ hội để nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu, đầu tư vào hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Nhiều tiềm năng, lợi thế của các địa phương chắc chắn sẽ được phát huy. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí Thư Tỉnh ủy Bình Định, việc thông xe hầm Cù Mông có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết phát triển kinh tế vùng từ thành phố Đà Nẵng vào tới tỉnh Khánh Hòa. Muốn phát triển liên kết vùng thì phải có giao thông. Điều này đã được tháo gỡ và chắc chắn từ đây sẽ có những liên kết khác, chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc thông xe sẽ tạo thuật lợi trong kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của đất nước.
Các phương tiện di chuyển bên trong hầm đường bộ Cù Mông. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Các phương tiện di chuyển bên trong hầm đường bộ Cù Mông.
Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Hầm Cù Mông có tổng chiều dài 6,62km, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT. Hầm gồm hai ống ngầm cách nhau khoảng 30 m. Mỗi ống rộng 10m, gồm hai làn ôtô, với vận tốc thiết kế 80 km/h. Ban đầu, nhà đầu tư khai thác ống phía Tây, ống còn lại dùng để lánh nạn. Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho biết, công trình hoàn thành sau hơn ba năm thi công, vượt tiến độ gần ba tháng và không đội vốn. Đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm. Được khởi công từ tháng 9/2015, hầm đường bộ Cù Mông có tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn tiết giảm của dự án Hầm Đèo Cả.
Xuân Triệu

Có thể bạn quan tâm