Thêm hai tỉnh Kon Tum và Bạc Liêu xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi

Thêm hai tỉnh Kon Tum và Bạc Liêu xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi
Các phương tiện di chuyển vào địa phận tỉnh Cà Mau phải qua các "hố tiêu độc, khử trùng". Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Các phương tiện di chuyển vào địa phận tỉnh Cà Mau phải qua các "hố tiêu độc, khử trùng". Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên huyện Vĩnh Lợi và đã được tiêu hủy xong vào sáng 1/6.

Theo ông Thông, vào chiều 31/5, nhận được tin báo của người dân, cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đàn lợn đang nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Mười, tại ấp B1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, kết quả dương tính bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, hộ gia đình, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn trên gồm 7 con lợn nái theo đúng quy định của thú y.
 
Lực lượng Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ lợn. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
 Lực lượng Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ lợn.
Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Cùng với đó, ngành thú y thực hiện các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; tăng cường tuần tra, giám sát, lập các chốt ngăn chặn, kiểm soát khâu vận chuyển, nhập lợn vào địa bàn; đồng thời tiến hành sát trùng khu vực xung quanh ổ dịch…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm soát chặt khâu vận chuyển, giết mổ, mua bán tại các chợ, lò giết mổ. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường vệ sinh chuồng trại, thường xuyên theo dõi đàn lợn, khi phát hiện nghi vấn phải báo ngay cơ quan chức năng và không nên tái đàn lợn vào thời điểm này. Đối với người tiêu dùng, nên sử dụng sản phẩm lợn rõ nguồn gốc, qua kiểm dịch, tuyệt đối không mua, tiêu thụ thịt lợn trôi nổi trên thị trường.

Theo ngành thú y tỉnh, mặc dù trong những ngày qua tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn ngừa, phòng bệnh rất quyết liệt, nhưng không mang lại kết quả như mong muốn. Vấn đề lo ngại ở đây là việc chưa xác định được nguyên nhân tái phát, lây lan, xuất hiện ổ dịch trên.

Việc lây nhiễm dịch tả châu Phi có nhiều khả năng từ mầm bệnh lợn ngoài tỉnh, vì trước đó các địa phương giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu gồm Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi với số lượng lớn.
 
Đoàn cán bộ Thú y tỉnh kiểm tra chốt kiểm dịch động vật trên tuyến đường Quản lộ- Phụng Hiệp tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN
Đoàn cán bộ Thú y tỉnh kiểm tra chốt kiểm dịch động vật trên tuyến đường Quản lộ- Phụng Hiệp tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Bạc Liêu có đàn lợn tương đối lớn, nhưng do đặc thù chăn nuôi của người dân theo hộ gia đình, hệ thống chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, con giống, việc phòng, chống dịch bệnh chưa được quan tâm, ý thức người chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, Bạc Liêu là vùng sông nước, sông ngòi chằng chịt, chuồng trại xây dựng ven sông rạch, khâu vệ sinh, xử lý môi trường không đảm bảo... nên khả năng lây lan, phát tán dịch tả lợn châu Phi ra diện rộng là rất cao.

Tại tỉnh Kon Tum, ngày 1/6 tin từ UBND huyện Ia Hdrai (Kon Tum) cho biết, các kết quả mẫu bệnh phẩm khẳng định dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn.

Trước đó, ngày 31/5, lực lượng chức năng xã Ia Tơi phối hợp với Thú y huyện và Công ty 716 (Binh đoàn 15) tổ chức tiêu hủy 16 con lợn mắc bệnh. Đây là số lợn của Công ty 716 chăn nuôi tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, do bếp ăn của Công ty 716 mua thực phẩm bên ngoài thị trường về chế biến phục vụ ăn uống, đây là nguyên nhân khiến vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào đàn heo của công ty. Hiện tại, ngành thú y huyện Ia H’Drai đang cùng với Công ty 716 tiến hành các biện pháp khử trùng tiêu độc tại khu vực chuồng trại chăn nuôi của công ty.

Hiện huyện Ia H’Drai đã thành lập lập hai chốt kiểm dịch động vật tại thôn 8 xã Ia Tơi, giáp ranh với tỉnh Gia Lai và một chốt tại xã Ia Dom giáp ranh với xã Mo Rai huyện Sa Thầy (Kon Tum) nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn. 

Huyện Ia H’Drai là địa phương đầu tiên của tỉnh Kon Tum xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

  Huỳnh Sử - Cao Nguyên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm