Thầy Trần Đăng Khoa - "Người cha" của học sinh dân tộc thiểu số nghèo

Thầy Trần Đăng Khoa - "Người cha" của học sinh dân tộc thiểu số nghèo
Thầy Trần Đăng Khoa, người thầy, người cha, của học trò nghèo xã Ia Tul, huyện Ia Pa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Thầy Trần Đăng Khoa, người thầy, người cha, của học trò nghèo xã Ia Tul, huyện Ia Pa. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Trăn trở vì chất lượng giáo dục chưa cao, học sinh trường Tiểu học Kim Đồng 100% là người dân tộc Jrai. Thường học sinh chỉ học buổi sáng, còn buổi chiều theo cha mẹ lên rẫy, nhiều hôm không về nhà để ngày mai tiếp tục đi học. Điều kiện gia đình học sinh của trường đều khó khăn, thu nhập thấp, bữa cơm thường không có thức ăn hoặc có khi các em phải nhịn đói đến trường. Do đó tình trạng học sinh bỏ học, lớp không duy trì được sỹ số còn khá cao. Xã Ia Tul là xã nghèo tuy nhiên do không nằm trong khu vực xã vùng 3 khó khăn nên học sinh không được hưởng chế độ hỗ trợ học bán trú. Giáo viên phải thường xuyên vận động học sinh đến lớp. Thấu hiểu và thương gia cảnh học sinh, thầy Khoa quyết định lấy hết số tiền dành dụm của gia đình được 100 triệu đồng, xin ý kiến của lãnh đạo huyện thực hiện “Đề án tổ chức ăn trưa cho học sinh lớp 1 người dân tộc Jrai tại trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Tul, huyện Ia Pa, lộ trình đến năm 2021”.
Thầy Trần Đăng Khoa (phải) cùng lãnh đạo huyện Ia Pa và các nhà hảo tâm mang cơm trưa đến cho học sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Thầy Trần Đăng Khoa (phải) cùng lãnh đạo huyện Ia Pa và các nhà hảo tâm mang cơm trưa đến cho học sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Đề án được chính quyền huyện thông qua và được thầy cô giáo trong trường nhiệt tình ủng hộ. Với mục tiêu giữ tất cả học sinh lớp 1 người dân tộc Jrai ở lại trường ăn trưa để học 2 buổi/ngày. Sau bữa ăn, học sinh được bố trí các phòng để ngủ trưa sau đó, buổi chiều các thầy cô giáo sẽ tăng cường dạy Tiếng Việt để các em có thể theo kịp chương trình sách giáo khoa. Đồng thời việc giữ các em lại trường cũng góp phần duy trì sỹ số học sinh, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Cô Rơ Cơm H'Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: Giáo viên toàn trường rất ủng hộ Đề án của thầy Khoa và dốc hết sức mình để bữa cơm thiện nguyện đến với học sinh nghèo ấm áp và đầy đủ nhất. Em Ksor Hà Vy, học sinh lớp 1B phấn khởi chia sẻ: "Ở nhà em ăn cơm trắng, lâu lâu mới có cá khô nhưng bây giờ lên trường được ăn cơm với rau, với thịt. Em sẽ chăm chỉ đi học hơn." Theo Đề án, bữa ăn trưa cho học sinh lớp 1 của thầy Khoa, các học sinh sẽ ăn trưa gồm cơm trắng, canh rau, cá hoặc thịt kho. Với hơn 100 học sinh lớp 1, mỗi ngày sẽ trích khoảng 650 nghìn đồng để nấu cơm. Các thầy cô giáo trong trường bỏ công đi mua thực phẩm và nấu nướng. Như vậy, mỗi tháng cần 13 triệu đồng để mua gạo, rau và thịt. Riêng thầy Hiệu trưởng, mỗi tháng đã trích ra 10 triệu đồng, còn lại sẽ vận động thêm các nhà tài trợ trong và ngoài tỉnh. Thầy Khoa cho biết: Với kinh phí gia đình bước đầu có 100 triệu đồng cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm trên địa bàn, hiện nay, số tiền hỗ trợ có thể đủ lo cho các em đến hết năm học 2019-2020. Nếu nhận được thêm nhiều sự đóng góp hỗ trợ nữa, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng chương trình này cho học sinh các khối khác.
Thầy Khoa (thứ 5, từ phải sang) cùng lãnh đạo huyện Ia Pa và các thầy cô giáo trong trường Tiểu học Kim Đồng chăm lo bữa trưa cho các em học sinh dân tộc thiểu số nghèo trường Tiểu học Kim Đồng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Thầy Khoa (thứ 5, từ phải sang) cùng lãnh đạo huyện Ia Pa và các thầy cô giáo trong trường Tiểu học Kim Đồng chăm lo bữa trưa cho các em học sinh dân tộc thiểu số nghèo trường Tiểu học Kim Đồng. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Trường Tiểu học Kim Đồng hiện có gần 400 học sinh, chỉ có hơn 100 học sinh khối lớp 1 được Đề án của thầy Khoa hỗ trợ ăn cơm trưa tại trường. Xúc động trước tình cảm người thầy giáo mắc bệnh nan y có hành động thiện nguyện, nhiều lãnh đạo huyện Ia Pa cũng tự nguyện trích một phần lương của mình để đóng góp cho chương trình. Ngoài việc chăm lo bữa ăn cho học trò, hàng tháng thầy Khoa còn tổ chức cắt tóc cho học trò. Ông Võ Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy huyện Ia Pa cho biết: Thầy Khoa có thâm niên công tác trong ngành giáo dục và là người có tấm lòng nhân ái đối với học trò dân tộc thiểu số nghèo. Gia cảnh của thầy bình thường nhưng đã bỏ hết số tiền dành dụm của gia đình để làm từ thiện cho học sinh. Sắp tới huyện sẽ nhân rộng mô hình này đến các trường khó khăn để nâng cao chất lượng ngành giáo dục.

Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm