Thành phố Hồ Chí Minh ứng phó với việc gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết

Thành phố Hồ Chí Minh ứng phó với việc gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết
Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết.

Riêng ngày 28/6, tại khoa này đang có 116 bệnh nhi nằm viện, trong đó có 9 ca rơi vào tình trạng sốc, phải điều trị đặc biệt.

Gia tăng nhanh chóng
Theo tiến sỹ, bác sỹ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bắt đầu từ tháng 6, số ca sốt xuất huyết nhập viện tại đây tăng thêm từ 10-15% so với tháng trước. Trung bình mỗi tuần có 70-72 bệnh nhi nhập viện điều trị vì mắc căn bệnh này, trong đó khoảng 10% rơi vào thể nặng, sốc hoặc có biến chứng. Đã có 2 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tử vong. 

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, nguy hiểm nhất là tình trạng sốc sốt xuất huyết, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Sốc sốt xuất huyết khiến mạch và huyết áp bằng 0, thất thoát huyết tương, xuất huyết trầm trọng, dễ dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải...

Với một số trẻ có bệnh nền hoặc dư cân, tình trạng sốc diễn tiến nguy hiểm hơn, có thể sốc nặng, sốc kéo dài hoặc tái sốc. Do vậy, trong quá trình chăm sóc cho trẻ sốt xuất huyết cần quan sát kỹ các dấu hiệu báo động chuyển sốc như bắt đầu hết sốt nhưng ói nhiều, không chịu ăn, uống, không chịu chơi, bứt rứt khó chịu… để có thể cấp cứu, điều trị kịp thời.
Bác sỹ khoa nhiễm B (Bệnh viện Nhiệt Đới) thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
 Bác sỹ khoa nhiễm B (Bệnh viện Nhiệt Đới) thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới – nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là người lớn, trong những ngày qua, số lượng nhập viện cũng liên tục gia tăng.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết, nếu như trong tháng 5 số ca nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết ở khoảng 40 ca bệnh/tuần thì sáng tháng 6, trung bình mỗi tuần là 60 ca, có khi 80 ca bệnh, tăng gấp đôi so với tháng 5. 

“Người lớn thường chủ quan hơn, mắc bệnh nhưng không để ý, tự đi mua thuốc uống, không theo dõi sát bệnh nên đa phần nhập viện trễ và thường gặp nhiều biến chứng, sốc, thậm chí tử vong”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong nhận định.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, trong khoảng 5 tuần trở lại đây, bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng nhanh. Nếu như tuần 20 chỉ có khoảng 200 ca nhập viện, đến tuần 25 đã tăng lên 339 ca, trung bình mỗi tuần tăng thêm từ 20-30 trường hợp. Tích lũy từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 8.600 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Bác sỹ khoa nhiễm B (Bệnh viện Nhiệt Đới) thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Bác sỹ khoa nhiễm B (Bệnh viện Nhiệt Đới) thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Khó kiểm soát
Tình hình bệnh sốt xuất huyết năm nay dự báo sẽ có diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, do năm nay mưa sớm nên bệnh cũng bắt đầu tăng sớm hơn so với những năm trước. Nếu như những năm trước thường đến tuần thứ 32 bệnh mới gia tăng và đi vào mùa dịch, năm nay mùa dịch đến sớm hơn 4-5 tuần. 

Bên cạnh đó, thời tiết tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có những yếu tố thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết lây lan mạnh khi nắng vào buổi sáng và buổi trưa nhưng chiều tối lại mưa liên tục. “Với thời tiết này chỉ cần trong vòng một tuần thì trứng có thể nở thành muỗi cho nên nếu không có những biện pháp khống chế kịp thời và tổng lực, khả năng sốt xuất huyết sẽ tăng nhanh và bùng phát trong thời gian tới là không thể tránh khỏi”, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng cho hay.

Nhằm ứng phó với tình hình bệnh sốt xuất huyết luôn chực chờ bùng phát, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm soát muỗi véc tơ truyền bệnh, kiểm soát muỗi với những biện pháp như diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi… Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng thừa nhận, biện pháp này thường không mang lại hiệu quả như mong đợi vì thực tế để kiểm soát muỗi rất khó khăn. 
Bác sỹ khoa nhiễm B (Bệnh viện Nhiệt Đới) thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Bác sỹ khoa nhiễm B (Bệnh viện Nhiệt Đới) thăm khám cho các bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chuyển sang kiểm soát các điểm nguy cơ, tức là những điểm có thể phát sinh muỗi, lăng quăng trong cộng đồng.

Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, để giải quyết triệt để điểm nguy cơ trong cộng đồng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhất là người dân. 

Ông Dũng nói: “Giữ vai trò đặc biệt nhất là cộng đồng, làm sao từng gia đình, từng cơ quan, từng người dân giữ cho nơi làm việc, nơi ở không có những dụng cụ, nơi chứa nước để muỗi vằn sinh sống và phát triển. Đây là vấn đề tiên quyết hiện nay”.

Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, việc xử phạt đối với những cá nhân, tập thể cố tình không thực hiện theo hướng dẫn trong việc xử lý điểm nguy cơ nằm trong khuôn khổ gia đình, cơ quan mình quản lý cũng cần được tăng cường. Đây là biện pháp kèm theo để việc quản lý điểm nguy cơ được hiệu quả, nhằm ngăn ngừa sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới./.

Có thể bạn quan tâm