Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2020, nhu cầu vốn là 263 tỷ đồng với các hoạt động như triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất rau an toàn, hoa cây kiểng, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối…    

Trong giai đoạn 2021-2025 thành phố cần 275 tỷ đồng, với các hoạt động trọng tâm như các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa. Đồng thời, xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị từ nước ngoài.    

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với áp dụng công nghệ cao, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp chất lượng sản phẩm nông sản đảm bảo đồng đều, mẫu mã tốt đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 800 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020, cao gấp 2-3 lần so với giai đoạn 2011-2015. Giá trị tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng cao hơn 8%/năm so với giai đoạn 2011-2015.   
Nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa vụ mùa. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Chương trình được thực hiện sẽ thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp của thành phố phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp giải quyết được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, cải thiện thu nhập nông dân, đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.    

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011- 2016, nhiều tiến bộ kỹ thuật, nhiều mô hình ứng dụng máy móc, thiết bị đã được thử nghiệm, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác, nuôi trồng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp đô thị.   

Năm 2016, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 91 xã, phường có sản xuất rau với diện tích canh tác đạt 3.486 ha, diện tích gieo trồng đạt 14.670 ha. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau ngày càng được đẩy mạnh, cụ thể có trên 95% diện tích ban đầu, 60% diện tích gối vụ được làm đất bằng máy (tăng 28% so với năm 2010), chủ yếu là sử dụng máy xới mini; 51% diện tích trồng rau có trang bị hệ thống tưới tự động hoặc bán tự động (tăng 24% so với năm 2010); tỷ lệ diện tích ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất hoa, cây kiểng trong khâu tưới là 40,6%, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bình có gắn động cơ là 50,9%.   

Trong lĩnh vực chăn nuôi, ứng dụng cơ giới hóa ngày càng được chú trọng ở tất cả các khâu. Các máy móc chủ yếu là hệ thống máng ăn và núm nước uống tự động,hệ thống làm mát chuồng trại, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máy băm thái cỏ, máy trộn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR), ứng dụng công nghệ quản lý đàn theo công nghệ hiện đại, máy vắt sữa bán tự động, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học (biogas).    

Thành phố hiện đang triển khai chính sách về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Từ năm 2011 đến tháng 12/2016, đã có 20.664 phương án vay vốn được phê duyệt, với tổng số vốn đầu tư 9.454 tỷ đồng, tổng vốn vay được hỗ trợ 5.794 tỷ đồng. Trong đó, có 3.329 phương án vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là máy xới đất, máy sục khí ao nuôi thủy sản, máy phun thuốc, máy kéo, hệ thống tưới…./.
Nguồn:TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm