Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm 24 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm 24 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình
Đây là thông tin được Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị triển khai thí điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình diễn ra mới đây.
Phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện quận 2, một trong những nơi triển khai mô hình bác sĩ gia đình đạt hiệu quả tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện quận 2, một trong những nơi triển khai mô hình bác sĩ gia đình đạt hiệu quả tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
 
Theo ông Tăng Chí Thượng, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng quá tải trầm trọng, trong khi đó các trạm y tế phường, xã vẫn chưa hoạt động hết công suất, chưa tạo được sự tin tưởng của người dân.

Do đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Y tế Thành phố triển khai thí điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trước mắt sẽ có 24 trạm y tế phường, xã tại 24 quận, huyện triển khai thí điểm theo mô hình này. Các trạm y tế được chọn đều nằm ở khu vực đông dân cư, tập trung nhiều công nhân, người lao động và không có nhiều bệnh viện lớn.
 
Khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các trạm y tế phải đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật cấp cứu ban đầu; khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo phác đồ quy định; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chuyển lên tuyến trên và trả kết quả tại trạm; khám chữa bệnh theo y học cổ truyền có dùng thuốc và không dùng thuốc.

Các trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho một số đối tượng đặc biệt; chuyển gửi bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên; cung ứng đầy đủ thuốc điều trị theo mô hình bệnh tật và theo gói dịch vụ y tế cơ bản.

Bên cạnh đó, các trạm y tế cũng phải thực hiện các chức năng y tế dự phòng như: Tổ chức tiêm chủng theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; giám sát dịch bệnh, quản lý các điểm nguy cơ; quản lý các bệnh lao, HIV, tâm thần; khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm.
Phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện quận 2, một trong những nơi triển khai mô hình bác sĩ gia đình đạt hiệu quả tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Phòng khám bác sĩ gia đình Bệnh viện quận 2, một trong những nơi triển khai mô hình bác sĩ gia đình đạt hiệu quả tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
 
Ngoài ra, một điểm mới mà các trạm y tế  cần thực hiện khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn.

Trong đó, các trạm y tế tiến hành lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho người dân; sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để quản lý hồ sơ các bệnh không lây nhiễm.

Các trạm cần kết nối với bệnh viện quận, huyện để cập nhật thông tin khám chữa bệnh của người dân vào hồ sơ sức khỏe cá nhân; quản lý chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ em; tổ chức truyền thông, tư vấn, hướng dẫn người dân phòng bệnh.
 
Đại diện Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú cho rằng: Những điểm mới này sẽ thu hút được nhiều người dân đến với các trạm y tế. Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình này, các trạm y tế phải ký được hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế; có đầy đủ thuốc cung ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như tại các bệnh viện quận, huyện.

Ngoài ra, mỗi trạm y tế ít nhất phải có 2 bác sỹ cơ hữu thì mới tạo được sự tin tưởng của người dân, thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại trạm.
 
Song song với thực hiện thí điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các bệnh viện quận, huyện thành lập phòng khám đa khoa vệ tinh tại các trạm y tế.

Đây được xem là cánh tay nối dài của các bệnh viện quận, huyện, bác sỹ của bệnh viện quận, huyện trực tiếp khám chữa bệnh tại trạm sẽ tạo niềm tin cho người dân đối với hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế./.
  Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm